Việt Nam và Lào ghi nhận kỷ lục nhiệt độ cao nhất lịch sử
Theo CNN, nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận tại Việt Nam, Lào và thủ đô của Thái Lan, nơi nắng nóng gay gắt kèm theo mùa sương mù khiến mức độ ô nhiễm tăng vọt.
Những kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận khắp Đông Nam Á dịp cuối tuần qua, khi khu vực này hứng chịu nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng các làn sóng nhiệt sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, khi tác động của khủng hoảng khí hậu do con người gây ra ngày càng lớn.
Tại Việt Nam, nhiệt độ đạt đỉnh 44,2 độ C vào thứ bảy (ngày 6/5) tại Tương Dương, Nghệ An. Đây là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong lịch sử trên toàn quốc.
Tại Lào, Luang Prabang có mức nhiệt độ là 43,5 độ C vào ngày 6/5, phá kỷ lục quốc gia là 42,7 độ C mới xác lập tháng trước. Viêng Chăn, thủ đô của Lào, cũng phá kỷ lục của chính mình với mức nhiệt 42,5 độ C vào cuối tuần qua.
Trong khi đó, tại Thái Lan, nhiệt độ cao kỷ lục ở Bangkok là 41 độ C vào thứ bảy, ngày 6/5. Thủ đô của quốc gia này nằm trong phần lớn khu vực Thái Lan phải chịu nhiệt độ cao, 37-38 độ C đến hơn 40 độ C từ cuối tháng 3.
Vào giữa tháng 4, thành phố Tak ở miền Tây Bắc trở thành nơi đầu tiên ghi nhận nhiệt độ trên 45 độ C, theo dữ liệu của Cơ quan Khí tượng Thái Lan. Tháng trước, Thủ tướng Thái Lan, ông Prayut Chan-o-cha, bày tỏ lo ngại trước “nhiệt độ cao nguy hiểm ở nhiều vùng Thái Lan”.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở Nam Á và Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng lên trước khi mưa gió mùa thường niên giúp giải nhiệt.
Nhiệt độ khắp khu vực được dự đoán sẽ về mức trung bình trong những ngày tới, nhưng các đợt nóng vô tiền khoáng hậu đang dần trở nên phổ biến khi khủng hoảng khí hậu trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy các làn sóng nhiệt nguy hiểm, từ 39,4 độ C trở lên, sẽ xảy ra với mật độ thường xuyên gấp 3-10 lần vào cuối thế kỷ này.
Ở vùng nhiệt đới, trong đó có phần lớn châu Á, nghiên cứu cho thấy những ngày có “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” - được định nghĩa là 51 độ C - có thể tăng gấp đôi, đe dọa tới các cộng đồng tại quốc gia bị ảnh hưởng.
Tác giả đứng đầu nghiên cứu, Lucas Vargas Zeppetello từ đại học Harvard, cho biết: “Theo lý thuyết, chúng ta không biết điều gì có thể xảy ra nếu các cộng đồng đông dân cư phải chịu nắng nóng vô tiền khoáng hậu và áp lực từ độ ẩm, nhưng các làn sóng nhiệt trong vài thập kỷ qua vốn đã rất nguy hiểm, gây lo ngại lớn trong tương lai”.