Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về kiểm soát gỗ bất hợp pháp
Việc ký thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 bên, là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.
Việt Nam và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về kiểm soát gỗ bất hợp pháp.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai vừa công bố một thỏa thuận với Việt Nam về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp nhằm giải quyết các mối quan ngại của Mỹ trong cuộc điều tra theo Mục 301 về gỗ Việt Nam.
USTR đã chính thức đưa ra Quyết định cuối cùng về kết quả điều tra ngành gỗ của Việt Nam theo mục 301.
Theo đó USTR đã chính thức công bố Quyết định trên trang web của mình, trong đó nêu rõ “Dựa trên Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, USTR xác định ra không có thêm bất cứ hoạt động nào được thực hiện tại thời điểm này có liên quan tới cuộc điều tra bởi tất cả các vấn đề nằm trong cuộc điều tra này đã được giải quyêt thỏa đáng.”
Đây là cuộc điều tra theo Mục 301 đầu tiên nhằm giải quyết những quan ngại về môi trường.
Thỏa thuận nhằm đảm bảo các cam kết giúp ngăn chặn khai thác gỗ hoặc buôn bán bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, bảo về tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Đại sứ Katherine Tai xác định thỏa thuận đưa ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra và chưa có biện pháp thương mại nào được đưa ra vào thời điểm này.
Thỏa thuận được ký là cơ sở để chính phủ Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Mỹ.
Đại sứ Katherine Tai cũng đánh giá cao những cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp.
Thỏa thuận đưa ra nhiều cam kết của Việt Nam Việt Nam trong việc giảm các rủi ro có liên quan tới khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, sẽ thúc đẩy sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Các nội dung cơ bản mà Việt Nam cam kết trong Thỏa thuận này bao gồm, không đưa gỗ tịch thu vào sử dụng với mục đích thương mại; Việt Nam tăng cường kiểm tra hải quan và sau thông quan đối với nguồn gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro, nguồn gỗ CITES nhập; Cam kết sửa Nghị định VNTLAS, để đảm bảo Nghị định này không chỉ bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu mà bao gồm các nhóm đối tượng khác, như các công ty nhập khẩu; Sửa các tiêu chí nhằm phân loại/sắp xếp các quốc gia và vùng địa lý tích cực; Xác minh tính hợp pháp của nguồn gỗ khai thác trong nước; Hợp tác với các quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu đặc biệt từ nguồn rủi ro cho Việt Nam..
Hợp tác bao gồm các khía cạnh như yêu cầu giấy tờ hợp pháp, kiểm tra giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu, ký kết Biên bản ghi nhớ với các quốc gia cung gỗ rủi ro; Đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ, EU giống như các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào bất cứ thị trường nào khác.
Xử lý các cá nhân/doanh nghiệp Việt Nam vi phạm luật pháp tại nước thứ ba (nước gỗ khai thác); Thành lập Nhóm Công tác về gỗ cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Mỹ để giám sát thực thi Hiệp định, nhóm họp 2 lần/năm và cuộc họp đầu tiên của Nhóm sẽ về vấn đề số liệu thương mại giữa Việt Nam-Lào-Campuchia và Cameroon.
Đồng thời Việc Nam cũng cam kết tạo cơ chế tham vấn và phản hồi thông tin /cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh có liên quan tới khai thác và thương mại gỗ lậu.
Phía Mỹ đánh giá cao thỏa thuận này vì đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Mỹ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững, và là hình mẫu cho Mỹ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và toàn cầu. Thỏa thuận có hiệu lực sau 30 ngày tính từ ngày ký (có hiệu lực ngày 1/11/2021).
Trước đó, vào tháng 10/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974, nhằm điều tra việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.