Việt Nam và Mỹ kiểm soát khai thác và xuất nhập khẩu gỗ bất hợp pháp
Từ ngày 22-23/8, phiên họp Nhóm công tác chung về mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ đã diễn ra tại thủ đô Washington D.C.
Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị, và bà Kelly Milton, Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) phụ trách lĩnh vực môi trường và tài nguyên, đồng chủ trì. Tham dự cuộc họp còn có đại diện các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Cơ quan Thương vụ và Phòng Kinh tế thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Nhóm Công tác chung về mặt hàng gỗ được thành lập để triển khai Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ về kiểm soát hoạt động khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Tại cuộc họp, đoàn Việt Nam đã cập nhật tiến độ thực hiện thỏa thuận; trao đổi chi tiết về việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận của Việt Nam; rà soát và loại bỏ các ưu đãi tài chính đối với ngành chế biến gỗ, tăng cường kiểm soát và kiểm tra hải quan đối với các lô gỗ nhập khẩu, tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu để kiểm soát nguồn gốc gỗ; sửa đổi các văn bản pháp luật để sửa đổi hệ thống phân loại doanh nghiệp; bổ sung các tiêu chí xác định vùng địa lý tích cực, kiểm soát để gỗ tịch thu không đi vào chuỗi cung ứng.
Đoàn cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn cố gắng ở mức cao nhất để thực hiện thỏa thuận và cam kết hướng đến phát triển một ngành lâm nghiệp minh bạch, bền vững và có trách nhiệm.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam kiên định thực hiện theo nguyên tắc "phát triển bền vững". Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các cam kết mạnh mẽ, tham gia cùng nỗ lực quốc tế bảo vệ môi trường và hành tinh của chúng ta.
Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam cam kết giảm phát thải khí methane 30% vào năm 2030 và giảm phát thải khí nhà kính về 0% vào năm 2050. Ngành lâm nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các cam kết này.
Phía Mỹ đánh giá cao Việt Nam trong việc nghiêm túc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận và khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để tăng cường năng lực của các cơ quan thẩm quyền hướng tới bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh dọc và kiểm soát khai thác gỗ bất hợp pháp./.