Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy triển khai Cơ chế tín chỉ chung JCM
Dự kiến đến tháng 6/2025, Việt Nam và Nhật Bản sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM).
Tại cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản vừa diễn ra, Ủy ban thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013– 2020.
Theo kế hoạch, dự kiến tháng 6/2025 sẽ diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản theo quy định Luật Điều ước quốc tế.
Việt Nam và Nhật Bản ký kết triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM) từ năm 2013, gia hạn vào năm 2017 với thời hạn thực hiện đến hết năm 2020. Năm 2021, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp.
Trong thời gian qua, Ủy ban hỗn hợp đã phê duyệt 15 phương pháp luận. 14 dự án JCM được đăng ký tại Việt Nam, trong đó, 8 dự án đã được cấp tổng cộng 4.115 tín chỉ.
Tại cuộc họp, Ủy ban đã thống nhất ban hành tín chỉ các-bon cho 9 dự án JCM đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2020. Cụ thể đó là các dự án: Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các trung tâm thương mại tại TP.HCM; Lái xe sinh thái thông qua sử dụng bộ đo tốc độ điện tử; Sử dụng biến áp lõi thép vô định hình hiệu năng cao trong hệ thống truyền tải điện năng ở miền Nam Việt Nam; Lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Trung và miền Nam;
Bên cạnh đó còn có các dự án: Đề xuất lắp đặt máy điều hòa tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH sản phẩm RICOH Imaging Việt Nam; Lắp ráp vỏ bình ắc quy tại nhà máy ắc quy axit chì của Công ty TNHH Công nghệ năng lượng hóa học Hitachi Việt Nam; Lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng tại nhà máy ống kính; Đề xuất lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam; Lắp đặt máy bện dây cáp tiết kiệm năng lượng tại nhà máy Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Cũng như Nhật Bản, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã nghiêm túc triển khai cam kết này.
Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có hiệu lực từ 2021. Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon và sẽ thí điểm từ năm 2025, chính thức hoạt động từ năm 2028. Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý về tín chỉ các-bon, và những thí điểm, thử nghiệm trong cơ chế JCM đã được luật định.
Công việc cần làm tiếp theo là hoàn thiện cơ sở pháp lý để cơ chế JCM có thể hoạt động hiệu quả theo các quy định của luật hiện hành.
Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu, cho biết: Cơ chế JCM phù hợp với khuôn khổ của Điều 6 Thỏa thuận Paris và có thể đóng góp tích cực cho việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và Nhật Bản.
Phía Nhật Bản mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để phát triển cơ chế JCM, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án đã đăng ký. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai quốc gia, tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp hướng tới mục tiêu Net Zero.
Đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết: tín chỉ cấp cho các dự án này dựa trên kết quả giảm phát thải trước năm 2021 nên sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm phát thải bắt buộc của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 theo Thỏa thuận Paris.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Ủy ban hỗn hợp phía Việt Nam và Nhật Bản đã đề xuất các nội dung triển khai Cơ chế JCM trong thời gian tới.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), để có cơ sở chặt chẽ cho việc chuyển giao tín chỉ các-bon từ Việt Nam ra quốc tế sử dụng cho mục tiêu NDC của quốc gia đối tác theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định về cấp Thư chấp thuận chuyển giao quốc tế tín chỉ các-bon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Theo đó, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và quốc gia đối tác đối tác cần được ký kết theo Luật Điều ước quốc tế.
Trong khi đó, Bản ghi nhớ ký năm 2021 về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản không phải là điều ước quốc tế. Để việc triển khai Cơ chế JCM cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đảm bảo tuân thủ quy định của cả 2 nước, Cục Biến đổi khí hậu đề xuất cần ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện cơ chế JCM theo Luật Điều ước quốc tế để có căn cứ triển khai.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cho rằng, có nhiều nội dung hai bên thống nhất trước đây đã không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay và cần phải thương lượng lại. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc hình thành và trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon từ Cơ chế JCM trong tương lai.
Về tỷ lệ phân bổ tín chỉ các bon từ các dự án theo cơ chế JCM trong giai đoạn 2021 – 2030, đại diện các Bộ Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban hỗn hợp cân nhắc, bên cạnh đóng góp về tài chính, cần tính toán đưa vào thêm các yếu tố liên quan đến nguồn lực tại Việt Nam phục vụ triển khai dự án, và có xét đến tính đặc thù của từng dự án trong các ngành, lĩnh vực cụ thể.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Môi trường, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ về các chương trình tăng cường hỗ trợ hợp tác cho các nước tham gia cơ chế JCM, tập trung vào tăng cường năng lực, phát triển dự án, triển khai dự án và giám sát, đánh giá giảm phát thải; tình hình thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris tại Nhật Bản và tiềm năng của Cơ chế JCM trong triển khai Điều 6.
Cùng với các dự án về năng lượng tái tạo, Nhật Bản cũng sẽ mở rộng triển khai trong lĩnh vực vực nông nghiệp, phát triển rừng, thu hồi và tiêu hủy môi chất lạnh... Nhật Bản mong muốn thông qua Cơ chế JCM để đạt được mục tiêu giảm 46% phát thải vào 2030, tiến tới Net zero vào 2050, có thể đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.