Việt Nam và Pháp nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Báo Quốc tế

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Báo Quốc tế

Trên nền tảng quan hệ hợp tác bền chặt kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Việt Nam và Pháp quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Quyết định này được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống nhất trong chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư từ ngày 6-7/10/2024.

Việt Nam và Pháp đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ, nhấn mạnh sự hợp tác sâu sắc hơn trong chính trị để đối phó với những thách thức quốc tế, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế với mục tiêu phát triển thương mại và đổi mới sáng tạo.

Hai bên cũng cam kết hợp tác vì phát triển bền vững và khả năng tự cường, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân.

Hai bên khẳng định thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của mỗi quốc gia.

Đặc biệt, hợp tác an ninh - quốc phòng được xem là một trụ cột quan trọng. Hai bên quyết định tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu.

Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho tàu quân sự Pháp cập cảng, nhằm thúc đẩy hợp tác hải quân và cảnh sát biển hai nước.

Về kinh tế, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi và ODA cho Việt Nam, đồng thời triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) một cách hiệu quả.

Việt Nam cũng mong muốn Pháp sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, giao thông đô thị và đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi carbon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics và cơ sở hạ tầng cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân dân dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Hai bên cam kết tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh. Đồng thời, hai bên mong muốn mở rộng hợp tác sang lĩnh vực khoáng sản thiết yếu.

Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hướng tới việc loại bỏ sử dụng than đá. Đồng thời xây dựng được một mô hình kinh tế phát thải thấp, đặc biệt là thông qua khuôn khổ quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Pháp sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn lãnh thổ, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai bên duy trì và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản bền vững, trên cơ sở các quy định hiện hành của quốc tế và EU.

Hai bên cam kết thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, tạo thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có di sản, thể thao, trao đổi giáo viên, sinh viên và nhà khoa học, cũng như cho giảng dạy tiếng Việt và tiếng Pháp. Hai bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực y tế, tư pháp, quản trị và nông nghiệp.

Về hợp tác đa phương, Việt Nam và Pháp cam kết thúc đẩy quan hệ với ASEAN và EU, đồng thời ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế như ASEM, Liên Hợp Quốc, và Pháp ngữ. Cả hai nước cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình bền vững ở Ukraine dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình Trung Đông, kêu gọi giảm leo thang và ngừng bắn tại Gaza và Lebanon.

Liên quan đến Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Được biết, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Về thương mại, Pháp là đối tác châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD. Trong tám tháng đầu năm 2024, kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Pháp cũng là nhà tài trợ ODA châu Âu hàng đầu cho Việt Nam, trong khi Việt Nam là nước nhận ODA lớn thứ hai của Pháp tại châu Á. Hiện có khoảng 300.000 người Việt sinh sống tại Pháp, là cộng đồng người Việt lớn nhất tại châu Âu.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/viet-nam-va-phap-nang-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-d37361.html