Việt Nam và tầm nhìn không thương vong vì tai nạn giao thông

Tầm nhìn không thương vong hay còn gọi là 'Vision Zero' đã được một số nước phát triển đưa ra để hướng đến mục tiêu không còn người chết, bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT). Tại Việt Nam, việc hướng tới tầm nhìn không thương vong là khát vọng chính đáng, thể hiện quyết tâm và từ đó có hành động, biện pháp cụ thể để giảm hơn nữa thiệt hại do TNGT, bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông (ATGT).

Tầm nhìn không thương vong đã được Thụy Điển đặt ra vào tháng 10-1997. Các đại biểu Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu quyết định mục tiêu này với mong muốn hướng tới một xã hội không còn thương vong do TNGT đường bộ. TS Judy Fleiter, Giám đốc toàn cầu Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) đánh giá, các khung chiến lược được một số quốc gia đặt ra đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, trong đó có tầm nhìn Vision Zero của Thụy Điển, an toàn bền vững của Hà Lan hay tiếp cận hệ thống an toàn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Mục tiêu của các nguyên tắc chiến lược là tạo nên một hệ thống giao thông an toàn hơn cho con người và nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả mọi người đối với sự an toàn của hệ thống.

 Người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa theo Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT.

Người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa theo Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT.

Kết quả của việc thực hiện tầm nhìn không thương vong tại một số nước đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ TNGT nói chung vào thời điểm năm 2013 tại các quốc gia này đã giảm 5 lần so với năm 1980. Số người chết vì TNGT năm 2013 chỉ bằng 20% so với năm 1980. Tất cả các quốc gia thành công đều thừa nhận chính tầm nhìn không thương vong là động lực giúp cho họ định hình, sửa đổi các quy định pháp luật, xây dựng, thực hiện các chính sách về hạ tầng, phương tiện, giáo dục, truyền thông, cải thiện năng lực về cấp cứu y tế và khắc phục hậu quả tai nạn.

Đối với Việt Nam, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, không phải đến bây giờ chúng ta mới biết đến và đặt ra tầm nhìn không thương vong. Năm 2012, lần đầu tiên nước ta đã có chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu giảm số người chết, bị thương do TNGT một cách bền vững. Giai đoạn 2031-2045, hằng năm, giảm TNGT đường bộ ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), hướng đến mục tiêu không còn người chết do TNGT đường bộ.

Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, nước ta hướng đến trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045, trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là nhân dân được an toàn, hạnh phúc hơn, sống khỏe mạnh, tham gia giao thông không còn lo sợ thương vong do tai nạn. "Mong muốn không còn thương vong do TNGT là chân chính, đúng đắn, cũng là cam kết, nhiệm vụ đặt ra với những người làm công tác bảo đảm ATGT", ông Khuất Việt Hùng bày tỏ. Để thực hiện tầm nhìn này, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trước hết cần tìm hiểu, trao đổi về những nguy cơ, rủi ro với mục tiêu giảm TNGT, kinh nghiệm truyền thông, xây dựng chính sách tại các quốc gia khác nhau. Đồng thời, cần đưa tầm nhìn không thương vong vào các quyết định chính thức để có cơ sở thực hiện và tiếp tục có những hành động cụ thể, bảo đảm môi trường giao thông an toàn, văn minh.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viet-nam-va-tam-nhin-khong-thuong-vong-vi-tai-nan-giao-thong-672976