Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ký hợp tác thành lập hai trung tâm về AI
Chiều 5-12, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) công bố thông tin về hợp tác giữa Việt Nam với Tập đoàn NVIDIA để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC (Vietnam Research and Development Center) cùng với Trung tâm Dữ liệu AI.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA đã ký kết thỏa thuận giữa hai bên, TTXVN đưa tin.
Đây là thành quả từ Thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và NVIDIA trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của ông Jensen Huang.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và coi là một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam cam kết tạo ra môi trường thuận lợi nhất để các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như NVIDIA có thể triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
VRDC và Trung tâm Dữ liệu AI sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái AI tại Việt Nam, tạo ra một môi trường sáng tạo, nơi các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các startup có thể hợp tác để phát triển các ứng dụng AI, giải quyết những vấn đề xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hợp tác với NVIDIA sẽ giúp Việt Nam tiếp cận những công nghệ AI tiên tiến nhất thế giới, rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia phát triển, và nhanh chóng nắm bắt các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ công tác triển khai hợp tác với Tập đoàn NVIDIA để hỗ trợ NVIDIA chuyển dịch chuỗi sản xuất, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu đến 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo.