Việt Nam văn hóa sử cương còn gây tranh cãi
Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh vừa được tái bản với phần bổ chú được cập nhật, nâng độ dày của sách lên hơn 20 trang so với bản gốc năm 1938. Cuốn sách được đánh giá mang tính khai phá, đặt nền tảng cho sự hình thành của sử học và văn học hóa Việt Nam hiện đại. Đây cũng là tài liệu bổ ích dành cho đại chúng với văn phong giản dị, dễ hiểu.
Khác với nhiều bản in gần đây, tên tác giả trên bìa được in đầy đủ là Vệ Thạch Đào Duy Anh. Tại cuộc tọa đàm nhân dịp ra mắt sách, nhà báo Yên Ba lý giải tên hiệu Vệ Thạch bắt nguồn từ tích truyện Trung Quốc nói về một linh hồn một cô gái hóa thành chim tinh vệ quắp đá lấp biển để trả hận đời trước bị chết đuối.
Yên Ba cho rằng qua tên hiệu này, Đào Duy Anh muốn bày tỏ chí lấp biển học bằng những tảng đá mà “một trong những tảng còn lại sừng sững đến hôm nay là Việt Nam văn hóa sử cương”.
Đào Duy Anh chỉ học hết bậc Thành chung mà không lên Tú tài. Bằng vốn “ngoại ngữ” tự học là chính, ông đã soạn Hán Việt từ điển, Pháp Việt từ điển. Ông cũng là tác giả Từ điển Truyện Kiều độc nhất vô nhị. Tên ông có trong từ điển Larousse với tư cách nhà bách khoa thư thời hiện đại. Phan Ngọc đánh giá Đào Duy Anh là học giả Việt Nam lớn nhất thế kỷ 20.
TS. Vũ Đức Liêm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định cuốn sách là “một cuộc cách mạng trong cách chúng ta giới thiệu về Việt Nam” và Đào Duy Anh nằm trong số những người “không chỉ làm nên hình hài của lịch sử Việt Nam thời kỳ đó mà còn tạo nên các hệ khái niệm, hệ giá trị thế giới quan và cách nhìn của người Việt hiện đại về nền văn hóa và vị trí của chính mình trên thế giới”.
Cuốn sách này cùng với Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Văn minh Việt Nam- Nguyễn Văn Huyên và Việt Nam văn học sử yếu- Dương Quảng Hàm… được coi là những công trình quan trọng đánh dấu giai đoạn chuyển biến lớn của dân tộc vào cuối thế kỷ 19, đầu 20.
“Quốc gia dân tộc sẽ định hình với những bước tiến qua những công trình như thế này. Trong đó Việt Nam văn hóa sử cương là bức tranh mô tả quan trọng, đầy đủ và toàn diện nhất về nền văn hóa Việt Nam trước khi bị phương Tây hóa. Nếu không có những công trình như thế này, chúng ta sẽ không có Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, không có Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946…”, TS Liêm nhận định.
Nhà báo Yên Ba cung cấp một phát ngôn của Đào Duy Anh khẳng định ông viết Việt Nam văn hóa sử cương bắt nguồn từ bi kịch của dân tộc và lịch sử. Khi nền văn hóa cũ bắt đầu phôi pha cùng Nho học, Hán học và văn minh phương Tây ùa vào.
Một cử tọa phản bác TS. Vũ Đức Liêm: “Không có văn bản nào nói do có cuốn Việt Nam văn hóa sử cương mà phải tổ chức Hội nghị Văn hóa Toàn quốc cả”. Kiều Mai Sơn nói lại: “Để chẻ hoe ra, không phải không có dấu ấn của Việt Nam văn hóa sử cương trong sự kiện này. Đại biểu tham gia Hội nghị Văn hóa Toàn quốc 1946 phần nhiều cùng thế hệ và chịu ảnh hưởng cụ Đào như Hoài Thanh, Trường Chinh, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn, Tôn Quang Phiệt, Võ Nguyên Giáp còn là học trò của Đào Duy Anh mà. Cả Hội nghị 1946 và 1948, Đào Duy Anh đều tham gia BCH. Nếu cứ máy móc thì vào kho lưu trữ quốc gia tìm, biết đâu trong tài liệu hội nghị có sử dụng Việt Nam văn hóa sử cương cũng nên!”.
TS. Vũ Đức Liêm nhấn mạnh: “Những công trình lớn của khoa học xã hội đều ra đời trong bối cảnh bi kịch. Đó là lúc con người phải nghĩ. Nếu chúng ta có ăn có mặc tháng đi du lịch hai lần thì chúng ta không nghĩ gì cả. Bi kịch lúc chuyển đổi số phận và bản sắc của chúng ta bị thách thức. Là lúc chúng ta phải nghĩ về mình, về tương lai và sự sống còn của mình.
Thuộc tầng lớp tinh hoa của thời đại đó, nên Đào Duy Anh nằm ở trung tâm và hình dung ra sự chuyển đổi. Rất may trong thời điểm cần tái định vị nền văn hóa Việt Nam, Đào Duy Anh đã có mặt cùng những công cụ về Hán học và Tây học cần thiết. Tuy nhiên đây có phải bi kịch hay không còn tùy góc nhìn”.
Theo phân tích của TS Liêm, nếu chúng ta nhìn nền văn hóa truyền thống thất bại trong bảo vệ nền độc lập dân tộc cũng như trong trả lời các câu hỏi hiện đại hóa thì đó là bi kịch. Anh đánh giá điểm sáng lớn nhất trong tư duy của Đào Duy Anh là không mang cái nhìn bi kịch đó áp vào văn hóa.
Sống trong bối cảnh nhiều công trình, chủ thuyết bắt nguồn từ phương Tây đánh giá các dân tộc phương Đông lạc hậu trì trệ nhưng Đào Duy Anh vẫn “quán triệt” rằng văn minh có thể liên quan trực tiếp tới phát triển kỹ thuật, còn trong văn hóa chỉ có sự khác biệt chứ không phân thấp cao.
TS. Vũ Đức Liêm (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định cuốn sách là “một cuộc cách mạng trong cách chúng ta giới thiệu về Việt Nam” và Đào Duy Anh nằm trong số những người “không chỉ làm nên hình hài của lịch sử Việt Nam thời kỳ đó mà còn tạo nên các hệ khái niệm, hệ giá trị thế giới quan và cách nhìn của người Việt hiện đại về nền văn hóa và vị trí của chính mình trên thế giới”.
Trong những dòng cuối cùng của Việt Nam văn hóa sử cương, tác giả đã dự đoán: “Từ nay về sau, sự Âu hóa của xã hội ta còn sâu xa thêm, ta chưa có thể dự đoán nó đến đâu là cùng, cũng không thể dự trắc được những điều khó khăn sẽ xảy ra.
Nhưng có một điều ta có thể chắc là trong văn hóa mới của thế giới sau nầy- văn hóa nước ta cũng dự một phần trong ấy - người ta không thể cho rằng Đông là hơn hay Tây là hơn, và những điều phân biệt và kỳ thị Đông Tây sẽ tiêu diệt hết”.
Các nhà nghiên cứu tại tọa đàm thống nhất, Đào Duy Anh không phải người đầu tiên nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhưng là người đầu tiên đưa lăng kính học thuật vào, định hình cho phương pháp nghiên cứu văn hóa sau này.
Nhà báo Kiều Mai Sơn, người đóng góp ý kiến và tham gia bổ chú bản thảo dẫn vài tác phẩm trước và sau Việt Nam văn hóa sử cương để đối chiếu. Đó là Phan Kế Bính mới dùng khái niệm phong tục hẹp và mang tính bản địa để viết Việt Nam phong tục có tính chất thống kê.
Trong khi Văn minh Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên) ra đời năm 1944 lại chủ yếu dành cho cộng đồng giỏi Pháp ngữ. Nhiều công trình được đưa vào giảng dạy sau này cũng đưa nhiều thuật ngữ nguyên bản vào. Tức là không phải ai cũng có được văn phong sáng rõ như Đào Duy Anh.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-van-hoa-su-cuong-con-gay-tranh-cai-post1458770.tpo