Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư số một của doanh nghiệp Hàn Quốc
Nội lực của doanh nghiệp Hàn Quốc hướng vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Hàng chục dự án của Hàn Quốc đang chờ để đầu tư vào Việt Nam, trong đó, có dự án vài trăm triệu USD, có dự án hàng tỷ USD.
Theo Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam. Moody và S&P nhận định Việt Nam là một trong 2 quốc gia của châu Á có cải thiện về chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (và đứng thứ 8 thế giới). JETRO đánh giá Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 3 trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực châu Á. Theo khảo sát của EuroCham trong quý I/2023, Việt Nam được thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.
Trong 6-7 năm trở lại đây, Hàn Quốc bứt phá lên vị trí nhà đầu tư số một của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 5/2023, Hàn Quốc là đối tác hàng đầu với 9.666 dự án và gần 81,6 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 666,5 triệu USD, đứng thứ 5/82 quốc gia/vùng lãnh thổ, giảm so với cùng kỳ. Số liệu này phản ánh doanh nghiệp đang quan sát thêm và cẩn thận hơn về quyết định đầu tư trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.
"Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài đang có một danh sách hàng chục dự án Hàn Quốc đang chờ để đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, có dự vài trăm triệu USD, có dự án hàng tỷ USD", ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.
Đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam vẫn là số một trong các điểm đến đầu tư của họ. Các tập đoàn lớn, công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn luôn hướng tới Việt Nam với nội lực mạnh mẽ.
Ban hành đồng bộ các quyết sách để tháo gỡ khó khăn
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương rất trăn trở và có nhiều cuộc họp và đưa ra nhiều quyết sách để vào cuộc đồng bộ, giải quyết khó khăn về môi trường đầu tư.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 493/TTg-KSTT ngày 1/6/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất.
Đồng thời, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, gồm: Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chuẩn bị điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thanh tra EVN về quản lý và cung ứng điện. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, đã cho phép đấu nối lưới điện quốc gia đối với một số dự án cụ thể.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang rà soát tổng thể để sửa đổi bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022 (Thông tư 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng) về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện của Việt Nam.
Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành lần 3 trong năm 2023, là tiền đề để giảm lãi suất cả về huy động và cho vay.
Định hướng và giải pháp
Về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Cùng với đó là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hiện thực hóa những định hướng này, những giảp pháp chung được đưa ra là: Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát ổn định; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của DN; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; triển khai các chính sách kích cầu, tăng cường tiêu dùng nội địa; thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thông tin thêm, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, nước ta cũng đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan... (đang sửa Luật Đất đai). Có giải pháp, chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá, như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.
Ban hành các chính sách để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế-xã hội.