Việt Nam vẫn là thị trường năng động thu hút nhà đầu tư ngoại

Theo các chuyên gia, hiện nay các nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào các thị trường năng động. Bất chấp những bất ổn trên toàn cầu, thị trường Việt Nam vẫn duy trì sự phát triển bền vững và thu hút nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo giữa năm về triển vọng thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 của CBRE, hoạt động đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương hồi phục không được như kỳ vọng do việc cắt giảm lãi suất bị trì hoãn, ảnh hưởng đến giá trị tài sản.

Thị trường Việt Nam vẫn duy trì sự phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Thị trường Việt Nam vẫn duy trì sự phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu, thị trường Việt Nam vẫn duy trì sự phát triển bền vững khi: tăng trưởng GDP 6,4%; tăng trưởng xuất khẩu 14,5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát ổn định ở mức 4%; cả nước đón gần 8,8 triệu lượt khách du lịch trong nửa đầu năm 2024; dân số trẻ và đang tăng lên 100 triệu người, cùng nhiều yếu tố vững chắc khác,...

Ông Lawrence Lennon - Giám đốc BP thị trường vốn CBRE Việt Nam, cho rằng: “Đối với các nhà đầu tư, chìa khóa thành công nằm ở việc xác định chu kỳ của thị trường và lựa chọn thời điểm chiến lược phù hợp để đầu tư cho từng phân khúc cụ thể ở từng khu vực trong 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, đồng thời thích ứng với những biến động đang diễn ra trên toàn cầu. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia thị trường, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và logistics (nóng lên sau chiến tranh thương mại), bất động sản du lịch, khách sạn và các loại tài sản cốt lõi khác".

Đối với Logistics, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu về hậu cần kho vận đã bình thường hóa nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2024, với việc gia hạn hợp đồng thuê được ưa chuộng hơn là di dời, do giá thuê và chi phí trang bị cao. Do vậy, mặc dù hoạt động cho thuê dự kiến sẽ có cải thiện đôi chút trong nửa cuối năm, khối lượng cho thuê cả năm dự kiếnsẽ giảm so với năm 2023.

Về thị trường bán lẻ, các ngành hàng chính như F&B và đồ dùng thể thao, nằm trong số những ngành tích cực mở rộng. Trong khi tỷ lệ trống tại các khu mua sắm tại khu vực trung tâm đã giảm trở lại bằng mức trước đại dịch. Một số nhà bán lẻ dự kiến sẽ hoãn lại kế hoạch mở rộng trong năm nay, thay vào đó tập trung xây dựng lại mạng lưới cửa hàng của mình sau thời kỳ đóng cửa do đại dịch.

TS. Henry Chin - Giám đốc Toàn cầu về tư duy lãnh đạo nhà đầu tư & Trưởng phòng Nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE cho biết, các khu trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức tăng trưởng kỷ lục trong nửa đầu năm 2024, do không có đủ mặt bằng chất lượng ở vị trí đắc địa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế.

Tại Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình của kho xây sẵn đã được cải thiện. Mặc dù vậy, do nguồn cung mới khá nhiều, mức tăng trưởng giá thuê vẫn ở mức khiêm tốn là 2 - 3% mỗi năm.

Bên cạnh đó, thị trường khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ghi nhận hoạt động cải thiện với doanh thu trên phòng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước./.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-van-la-thi-truong-nang-dong-thu-hut-nha-dau-tu-ngoai-157516.html