Việt Nam với gánh nặng bệnh lao: Lo ngại người mắc ngày càng trẻ hóa

Tại Khoa Lao-Hô hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương), các bác sỹ đang điều trị cho 6 bệnh nhân lao phổi trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Điển hình có bệnh nhân 20 tuổi mắc lao với biểu hiện ho kéo dài.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương khám cho một bệnh nhân là sinh viên mắc lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương khám cho một bệnh nhân là sinh viên mắc lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng hàng số 11 trong 30 nước có tỷ lệ bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.

Đáng lưu ý, trước đây bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, hiện nay đối tượng này đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở đối tượng học sinh, sinh viên.

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy, Khoa Lao-Hô Hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương) đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Nhiều người trẻ đã mắc bệnh lao

- Nếu như trước đây bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, hiện nay đối tượng mắc bệnh gồm cả học sinh, sinh viên. Ở bệnh viện đã ghi nhận tình trạng này như thế nào thưa bác sỹ?

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy: Lao phổi là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát. Nguyên nhân gây bệnh lao luôn xuất phát từ vi khuẩn lao - với các yếu tố thuận lợi để phát triển thành bệnh.

Mặc dù, bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng trên thế giới mỗi ngày vẫn còn hơn 4.100 người tử vong và gần 30.000 người mắc bệnh này.

Tất cả mọi người ở các độ tuổi đều có nguy cơ mắc lao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi.

Ở Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân lao có cả những bệnh nhi vài tháng tuổi đến những người cao tuổi nhất từ 90-95 tuổi.

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy, Khoa Lao-Hô Hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy, Khoa Lao-Hô Hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Khoa Lao-Hô hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương), các bác sỹ đang điều trị cho 6 bệnh nhân lao phổi trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Điển hình có bệnh nhân 20 tuổi có biểu hiện ho kéo dài bắt đầu khoảng đầu tháng 2/2023.

Bệnh nhân có uống thuốc một thời gian và hết ho, nhưng khi ngưng sử dụng thuốc thì ho trở lại. Khoảng hơn 3 tháng sau đó, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát hiện bệnh liên quan đến phổi nên được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị.

Vi khuẩn lao có thể tồn tại từ 3-4 tháng

- Bác sỹ có thể lý giải rõ hơn về việc hiện nay môi trường sống đã được cải thiện, vậy tại sao nhiều người trẻ tuổi vẫn mắc bệnh lao?

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy: Nguyên nhân gây ra bệnh lao là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Những người bình thường khi hít phải vi khuẩn lao từ người bệnh sẽ có tình trạng nhiễm lao, tuy nhiên không phải ai nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh lao. Vi khuẩn lao khi ở trong cơ thể sẽ không sinh trưởng được vì hệ miễn dịch đã bảo vệ cơ thể. Thực tế có những người nhiễm lao suốt đời nhưng không thành bệnh lao.

Có hai yếu tố nguy cơ khiến nhiễm lao thành bệnh lao đó là số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của mỗi người. Khi số lượng vi khuẩn nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể người không thể chống đỡ được thì sẽ từ nhiễm thành bệnh. Do đó những người có nguy cơ cao mắc lao do hệ miễn dịch kém bao gồm: Người suy dinh dưỡng, người hút thuốc nhiều, mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, trẻ em... Nếu trong gia đình có nguồn lây lao phổi dương tính thì đây cũng là một trong những yếu tố chuyển hóa lao cho trẻ em.

Đối với học sinh, sinh viên, việc học hành căng thẳng, không có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi cũng là một trong những yếu tố khiến sức đề kháng giảm. Khi sức đề kháng giảm, nguy cơ từ nhiễm lao thành mắc bệnh lao sẽ tăng.

Ngoài ra, môi trường sống, làm việc không đảm bảo như tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, nhiệt độ ẩm thấp cũng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh.

- Bác sỹ có thể cho biết công tác điều trị bệnh lao hiện nay mang lại hiệu quả như thế nào?

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy: Bệnh lao dễ lây lan trong khoảng thời gian bệnh nhân chưa được chẩn đoán, còn khi đã chẩn đoán và điều trị thì động lực vi khuẩn giảm rất nhiều, sau khoảng 2-4 tuần khả năng lây đã giảm. Tuy nhiên, khi chưa phát hiện bệnh, việc ở cùng nhau trong một môi trường sinh hoạt không gian khép kín, chỉ cần một người mắc bệnh cũng là nguồn lây trực tiếp để những người xung quanh dễ nhiễm và dễ mắc.

Bởi cứ một người bị lao phổi ho khạc ra vi khuẩn có thể lây cho 10-15 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, trại tập trung... trước khi người bệnh được điều trị. Ngoài ra, trong điều kiện tự nhiên, vi khuẩn lao có thể tồn tại từ 3-4 tháng, đờm của bệnh nhân lao trong phòng ẩm có thể tồn tại 3 tháng vẫn có động lực.

Tuy một lần ho phát tán vi khuẩn không nhiều nhưng trong không gian hẹp, không thông thoáng thì lượng vi khuẩn lao sẽ tích tụ trong không khí, hít vào lượng vi khuẩn càng nhiều thì nguy cơ mắc càng tăng. Dưới ánh nắng Mặt Trời, vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt sau 1,5 giờ đồng hồ. Vi khuẩn lao ngừng phát triển ở 42 độ C và bị tiêu diệt sau 10 phút ở 100 độ C. Do đó, chúng ta vẫn có thể khử khuẩn các dụng cụ ở 100 độ C để tiêu diệt vi khuẩn lao.

Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát lao phổi

- Vậy đối với mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, bác sỹ có khuyến cáo gì để phát hiện và điều trị sớm bệnh lao?

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy: Với những người trẻ có sức khỏe và sức đề kháng tốt thường sẽ bỏ qua những triệu chứng ban đầu của bệnh. Tuy nhiên, bệnh lao là bệnh tiến triển âm thầm và phát hiện muộn. Nếu không được chữa trị kịp thời và hiệu quả có thể gây nên nhiều di chứng đe dọa tính mạng.

Các bác sỹ tại Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ tại Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các di chứng có thể kể đến như tổn thương thâm nhiễm để lại các nốt vôi hóa, xơ hóa; Nặng hơn là tổn thương tụ lại thành những đám xơ mờ trên phổi; tổn thương nhu mô, tổn thương phế quản khiến xẹp nhu mô của phổi; giãn phế quản sau lao, bệnh nhân dễ bội nhiễm, thi thoảng có những ho khạc, có thể ho ra máu...

Khi các tổn thương phổi rộng chắc chắn sẽ để lại những di chứng và khi trên phổi để lại những xơ, sẹo như vậy thì khả năng hô hấp giảm, gắng sức một chút sẽ dẫn đến khó thở.

Lao là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, để phòng tránh bệnh lao, với bệnh nhân đã mắc cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang đầy đủ. Ngoài ra, những người trong gia đình cũng cần khám sàng lọc để kiểm tra.

Những trường hợp chưa mắc cần chú trọng chế độ dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nơi ở cần thông thoáng để giảm tối đa lượng vi khuẩn trong phòng (nếu có), hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, hắt hơi. Trẻ em cần tiêm vaccine phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Đặc biệt, người dân cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn bác sỹ!

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-voi-ganh-nang-benh-lao-lo-ngai-nguoi-mac-ngay-cang-tre-hoa/888322.vnp