Việt Nam với 'mục tiêu kép' bảo vệ môi trường và giảm chi tiêu ngân sách
Ngày Trái đất 22-4 là dịp để thế giới, trong đó có Việt Nam, nhận thức rõ hơn về những thách thức môi trường với Trái đất cũng như yêu cầu đặt ra để bảo vệ hành tinh xanh, nơi chúng ta đang sống.
Những vấn đề đặt ra với nhiên liệu hóa thạch
Biến đổi khí hậu đang nổi lên như là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai, mà nguyên nhân do hiệu ứng nhà kính từ khí thải trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt tự nhiên gây ra. Chính vì thế, từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã lấy ngày 22-4 hàng năm là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất, phổ biến với tên gọi Ngày Trái đất, nhằm nâng cao nhận thức và giá trị về môi trường tự nhiên của hành tinh xanh.
Hiện nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 80% năng lượng sơ cấp toàn cầu, trong khi các công ty công nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để nâng cao sản lượng khai thác. Tuy nhiên, quá trình khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang làm nảy sinh nhiều vấn đề. Trước hết, với tốc độ khai thác và tiêu thụ nhanh của con người như hiện nay, nguồn nhiên liệu này đang ngày càng trở nên cạn kiệt bởi nó không tái tạo được. Theo ước tính, trữ lượng dầu mỏ của thế giới chỉ còn đủ dùng cho 53 năm nữa, lượng khí thiên nhiên thì còn khoảng 55 năm và than đá là 113 năm. Tại Việt Nam, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác nguồn nhiên liệu này như hiện nay, sản lượng dầu mỏ chỉ còn khoảng 34 năm, khí thiên nhiên còn 63 năm và than đá là khoảng 4 năm.
Chính vì thế, thế giới từng nhiều lần phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo thống kê, trong hơn 40 năm qua, đã có 9 cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu và khí đốt lại tăng cao, kéo theo chỉ số lạm phát và xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, khiến triển vọng của thế giới thoát khỏi suy thoái kinh tế thêm mờ mịt.
Một vấn đề nữa là nhiên liệu hóa thạch chiếm tới 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, dẫn đến nguy cơ biến đổi khí hậu. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 21,3 tỉ tấn CO2 mỗi năm và làm tăng thêm 10,65 tỷ tấn CO2 trong khí quyển. CO2 cùng với các khí độc hại khác như SO2, NO2… có thể tạo thành mưa acid, gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên, sức khỏe con người và hủy hoại môi trường. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch còn tạo ra một lượng lớn xỉ và tro bay, khiến không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn, gây ra nhiều loại bệnh cho con người, đặc biệt là các bệnh về tim mạch và đường hô hấp.
Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tiết kiệm năng lượng
Liên quan đến Việt Nam, trong năm 2021, lượng xăng, dầu nhập khẩu của Việt Nam ở mức 6,96 triệu tấn, trị giá 4,14 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020. Giá xăng, dầu tăng kỷ lục trong năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến chi ngoại tệ để nhập nhóm hàng vọt lên trên 4 tỷ USD. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng 15 lần và chất thải carbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần so với năm 2000. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng.
Chính vì thế, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Việt Nam coi là cách phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chí phí và ngân sách. Đây là mục tiêu kép mà Việt Nam đang phấn đấu. Theo định hướng này, Quốc hội khóa XII đã ban hành văn bản luật số 50/2010/QH12 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và luật này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011. Tháng 3-2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đặt mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019-2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình có tổng kinh phí thực hiện 8.200 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước là 4.400 tỷ đồng, vốn đầu tư từ tổ chức tín dụng trong nước là 3.800 tỷ đồng.
Trước mắt, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đề ra mục tiêu từ nay đến 2025 gồm: giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: giấy 8-15,8%, hóa chất >7%, dệt may >5%; 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng; 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng; 90% các tỉnh, thành phố xây dựng và phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài nỗ lực trong nước, Việt Nam còn tích cực đóng góp vào việc ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới, thể hiện qua một loạt các hành động, như: Tại Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng (khí methane) về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Thực hiện các cam kết tại COP26 còn là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Trước mắt, tập trung vào 8 nhiệm vụ trong tâm: chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; giảm phát thải khí methane, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ carbon; nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.