Việt Nam xem xét nhập khẩu thêm điện từ Lào, Trung Quốc

Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và sẽ tăng sản lượng trong những năm tới do lo ngại các dự án nguồn điện chậm tiến độ.

Giá điện nhập khẩu thấp hơn mua trong nước

Bộ Công thương vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Ở tờ trình này, Bộ Công thương đưa ra giải pháp cụ thể đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn tới. Theo đó, để đáp ứng phụ tải theo dự báo của Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2023-2025 cần đưa vào vận hành khoảng 19.000 MW nguồn điện mới, trong đó các nguồn chính gồm 6.100 MW nhiệt điện (than, khí), 4.300 MW thủy điện, 4.400 MW điện gió trên bờ và khoảng 1.900 MW điện nhập khẩu từ Lào.

Số liệu từ các địa phương cho thấy đến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành khoảng 21.537MW các nguồn điện. Trong đó, có 4 dự án nhiệt điện,176 dự án thủy điện, 165 dự án điện gió trên bờ.

"Nếu các dự án nguồn điện thực hiện theo dự kiến như trên thì nguồn cung điện sẽ đáp ứng. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro chậm tiến độ, nhất là đối với nguồn nhiệt điện và điện gió trên bờ", Bộ Công thương đánh giá. Do đó, ngoài biện pháp tăng khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, Bộ Công thương tính toán tăng nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực như Lào và Trung Quốc.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết hiện Việt Nam nhập khẩu điện của Trung Quốc qua tuyến đường dây 220 kV từ phía Lào Cai, Hà Giang, mỗi năm khoảng 2 tỷ kWh. Dự kiến, đến năm 2025 có thể đàm phán nâng cao sản lượng lên 3,5 tỷ kWh. Khi có điều kiện thuận lợi, xem xét mua điện qua hệ thống Back-To-Back với quy mô công suất khoảng 2.000 MW, sản lượng khoảng 9 tỷ kWh/năm.

Còn nhập khẩu điện từ Lào, những năm qua đang mua điện ngưỡng công suất 3.000-5.000 MW. Dự kiến trước năm 2025 sẽ nhập khẩu cụm nguồn điện Nậm Ou. Tới năm 2030, dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000 MW, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của nước bạn.

Theo tài liệu của Báo Giao thông, giá điện nhập khẩu đang thấp hơn mua trong nước. Cụ thể, giá mua điện từ Trung Quốc khoảng 6,5 cent/kWh (gần 1.540 đồng/kWh); còn Lào là 6,9 cent (tương đương 1.632 đồng/kWh).

Trong khi theo số liệu từ EVN, giá mua điện bình quân 3 tháng đầu năm cho mỗi kWh điện là 1.128 đồng với thủy điện, 1.428 đồng với tuabin khí, 2.046 đồng với điện mặt trời, 2.086 đồng với điện gió, 2.100 đồng với điện than. Như vậy, giá mua điện từ Lào, Trung Quốc thấp hơn một số nguồn điện trong nước.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho hay nhập khẩu điện là giải pháp để tránh thiếu điện trong ngắn hạn. Khi nhập khẩu, điện từ Trung Quốc cấp thẳng cho các tỉnh miền núi phía Bắc, không hòa đồng bộ với lưới điện Việt Nam. Lưới điện và các trạm biến áp các tỉnh đó được thiết kế để sẵn sàng chuyển từ hệ thống điện Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại chỉ trong vài giờ. Còn điện từ Lào được hòa thẳng vào lưới điện Việt Nam và truyền tải ra Bắc, hay vào Nam tùy theo nhu cầu của hệ thống điện.

Cơ hội xuất khẩu điện sạch

Những năm qua, ở khu vực phía Nam, Việt Nam đang xuất khẩu điện sang Campuchia qua các đường dây trung áp dọc biên giới Việt Nam - Campuchia và đường dây cao áp Châu Đốc - Tà Keo. Sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia theo hợp đồng khung là khoảng 1 tỷ kWh/năm. Nhưng gần đây, nhu cầu mua điện của Campuchia có xu hướng giảm.

Ngoài Campuchia, tại tờ trình này, Bộ Công thương nêu chủ trương xuất khẩu điện với quy mô 5.000-10.000MW (tương ứng khoảng 3-6% tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước theo Quy hoạch Điện VIII) và hình thành hệ thống lưới điện cao áp/siêu cao áp kết nối với quốc gia khác Những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam.

Đến nay, Bộ Công thương đã nhận được một số đề xuất làm điện gió ngoài khơi để xuất khẩu của một số tỉnh như Cà Mau, Trà Vinh và liên danh Sembcorp Utilities (SCU) - Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Nhiều tỉnh kiến nghị làm điện gió ngoài khơi để xuất khẩu.

Nhiều tỉnh kiến nghị làm điện gió ngoài khơi để xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, vướng mắc lớn nhất để phát triển điện sạch là cơ chế chính sách về đầu tư, triển khai dự án và cơ chế giá chưa hoàn thiện. Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, hiện cơ chế, chính sách chưa rõ ràng để phát triển các nguồn điện sạch. "Riêng điện gió ngoài khơi, ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát cũng chưa có cơ chế thì mục tiêu đến năm 2030 sẽ khó thực hiện được nếu không quyết liệt", đại diện Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi có tính chất phức tạp, vốn đầu tư lớn, đặc biệt là yếu tố giá nên cần có các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này.

Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ nhiều nội dung trong đó có xin chủ trương từ Bộ chính trị về việc xuất khẩu điện quy mô lớn và giao cho các bộ, ngành xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa chủ trương, làm cơ sở để triển khai xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Công thương đề xuất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư, việc lựa chọn các nhà đầu tư các dự án trên biển và nghiên cứu bổ sung quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, cáp ngầm vượt biển đi qua khu vực lãnh hải, đặc quyền kinh tế biển của nhiều nước.

Từ năm 2005, Việt Nam đã mua điện của Trung Quốc qua đường dây cao thế 110kV nối Lào Cai - Hà Khẩu. Sau đó là tuyến đường dây 220 kV Lào Cai - Hà Khẩu, Hà Giang - Malutang đi qua cửa khẩu Thanh Thủy và tuyến 110 kV Thâm Câu - Móng Cái. Sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc liên tục tăng do giai đoạn 2004-2010 khi Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu điện, đạt đỉnh 5,6 tỷ kWh vào năm 2010, chiếm 5,6% tổng sản lượng điện trong nước.

Từ năm 2011, nhà máy Thủy điện Sơn La và nhiều nhà máy khác đi vào hoạt động nên miền Bắc đã đủ điện. Đường dây Thâm Câu - Móng Cái vẫn được duy trì, nhưng không nhập khẩu điện nữa vì phía Quảng Ninh đã sản xuất đủ điện và giá rẻ ngang, hoặc thấp hơn điện nhập khẩu.

Nguồn điện nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai và Hà Giang vẫn có ưu thế vì giá điện tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rẻ do nguồn thủy điện dồi dào. Lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống còn 1,6-2,2 tỷ kWh/năm và duy trì ở mức đó.

Còn điện nhập khẩu từ Lào chủ yếu là thủy điện, thông qua thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ năm 2016, với sản lượng điện khoảng 7 triệu kWh một ngày (chiếm 1-1,5% tổng sản lượng điện của Việt Nam).

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/viet-nam-xem-xet-nhap-khau-them-dien-tu-lao-trung-quoc-192231129160017829.htm