Việt Nam xếp thứ 23 trên tổng số 40 quốc gia tổ chức thi IELTS

Theo tổ chức IELTS, điểm trung bình kỳ thi IELTS của người Việt Nam năm 2022 là 6.2. Đáng chú ý, điểm IELTS trung bình của học sinh Việt Nam ngang Hàn Quốc.

Mới đây, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2023 về Dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam. Trong đó, có những số liệu đáng chú ý liên quan đến kỳ thi IELTS.

Cụ thể, điểm thi IELTS trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 6,2/9, xếp thứ 23 trong số 40 quốc gia tham gia tổ chức kỳ thi. Cùng thứ hạng này có Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan.

Điểm thi TOEFL trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 77/120, xếp thứ 24/30 nước trong khu vực châu Á.

Báo cáo ghi nhận, độ tuổi học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi IELTS trong vòng 5 năm qua ngày càng trẻ. 62% thí sinh dự thi IELTS nằm trong độ tuổi 16-22.

Được biết, Tiếng Anh được chính thức đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông tại Việt Nam từ năm 1986.

Từ thập niên 1990, việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam chuyển từ phương pháp ngữ pháp và dịch thuật sang cách tiếp cận mang tính phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho người học.

Đáng chú ý những thay đổi mang tính cải cách đã cải thiện đáng kể năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Biểu đồ tỉ lệ người thi IELTS tại Việt Nam theo độ tuổi. Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2023 về Dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam.

Biểu đồ tỉ lệ người thi IELTS tại Việt Nam theo độ tuổi. Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2023 về Dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra những chính sách để trẻ em Việt Nam làm quen với tiếng Anh từ lứa tuổi mầm non. Chính sách này được thể hiện qua Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 ban hành kèm theo Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Đến năm học 2022-2023, có 53/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, thông tin trên báo Dân Trí.

Ngoài ra, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, điểm thi trung bình của học sinh từ năm 2021 - 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% học sinh đạt dưới điểm 5. Do đó, trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm tới những rào cản mà học sinh Việt Nam đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp học sinh Việt Nam có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, xu hướng học ngoại ngữ của học sinh phổ thông hiện nay ngày càng lớn, cho thấy sự quan tâm đến học ngoại ngữ ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ nhu cầu từ bản thân các em, các em xem ngoại ngữ là một công cụ quan trọng để tìm hiểu thế giới.

Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết thêm, đối với kết quả khảo sát, đánh giá triển khai môn Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kết quả khảo sát cho thây sự hứng thú của học sinh đối với môn Tiếng Anh, xu hướng tích hợp công nghệ trong dạy học tiếng Anh, sự hiệu quả của công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó, việc dạy tiếng Anh cũng được xem xét trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu và các cấu phần trí tuệ cảm xúc xã hội. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam.

GS. Lê Anh Vinh đánh giá cao vai trò tiên phong của đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong việc cập nhật các phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động dạy học. Điều này góp phần nâng cao năng lực tiếng Anh hơn 10 năm qua, dần thay đổi nhận thức của học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội về việc học ngoại ngữ tại Việt Nam.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-xep-thu-23-tren-tong-so-40-quoc-gia-to-chuc-thi-ielts-a642766.html