Việt Nam xuất khẩu cà phê 4 tỷ USD, nhưng chưa thể vươn ra biển lớn
Năm 2022 sản lượng ngành cà phê Việt Nam hơn 1,7 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD.
Chiều 4/3, báo Người Lao Động cùng với Bộ NN&PTNT đồng chủ trì hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?”.
Đến dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông; Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh; đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và một số hiệp hội nông sản, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê…
Hội thảo nằm trong chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” lần thứ nhất năm 2023, do báo Người Lao Động tổ chức và được khai mạc vào sáng cùng ngày.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh khoảng 139.932ha, năng suất đạt khoảng 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 356.612 tấn. Tại Đắk Nông trồng chủ yếu cà phê vối Robusta (chiếm 99% diện tích), điểm yếu là chưa chuyên sâu, còn manh mún, nhỏ lẻ.
Do đó, để nâng giá trị cà phê phải hướng dẫn người nông dân làm cà phê sạch. Để có cà phê sạch phải bắt đầu sạch từ giống, phân, thuốc, giống chất lượng cao. Tỉnh mong muốn Bộ NN&PTNT hỗ trợ giống cà phê tốt, trồng dưới tán rừng, dùng công nghệ sấy thăng hoa, giúp phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Hiện nay Đắk Nông đã hướng dẫn nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất cà phê. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cà phê để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Cũng là một vùng có diện tích trồng cà phê lớn của cả nước, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh có khoảng 99.000ha cà phê, trong đó 46.000ha trồng theo các tiêu chuẩn 4C, ogarnic, áp dụng công nghệ tưới tiêu cho cà phê.
Năm 2021 xuất khẩu được 323 triệu USD, hiện nay đạt 490 triệu USD. Gia Lai định hướng đến năm 2030 ổn định diện tích khoảng 100.000ha đều được trồng theo công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng.
“Tại Gia Lai, có khoảng 80 nhà máy và các cơ sở chế biến cà phê. Tỷ lệ qua chế biến khoảng 5,7%, còn lại xuất khẩu thô. Để tăng giá trị cho cây cà phê cần xuyên suốt thực hiện từ tăng giá trị đầu vào và đầu ra của sản phẩm, nông dân trồng cà phê ở Gia Lai chuyển sang phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước tưới cà phê, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa chỉ, quảng bá sản phẩm cà phê tại các hội chợ trong nước và thế giới” - ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ.
Còn ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế cho rằng, để phát triển, nâng giá trị cà phê Việt Nam cần đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng những thị trường khó tính. Đồng thời, không xuất thô mà cần chế biến sâu, theo tiêu chuẩn USDA của Mỹ.
Hiện tại rất ít doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu để cà phê Việt Nam góp mặt vào 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới, dù chúng ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.
“Năm 2022, sản lượng xuất khẩu hơn 1,7 triệu tấn, đạt hơn 4 tỷ USD. Do đó cần có kế hoạch phát triển lâu dài trong năm nay và những năm tiếp theo” - ông Cường nói.
Đồng quan điểm phải làm cà phê sạch để nâng giá trị cà phê Việt Nam, ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, nói: “Cả nước trồng khoảng 710.000ha cà phê, thu hoạch khoảng 650.000ha, chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp. Ở các nước, cà phê đều được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam chưa có quốc gia nào bảo hộ. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần được bảo hộ, tăng giá trị cho người sản xuất và 5 tỉnh Tây Nguyên là vùng trọng điểm của loại cà phê này. Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA cần tập trung vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm; cần có chính sách hỗ trợ tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX, nông dân để giúp ngành cà phê phát triển bền vững, vì lãi suất hiện nay 12%/năm là bài toán khó giải đối với doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, mỗi khi ra nước ngoài ông đều đem theo cà phê Việt Nam, vì cà phê châu Âu có vị chua, pha loãng. Chúng ta thường nghĩ cà phê Việt Nam ngon nhất nhì thế giới, trong khi họ không uống cà phê Việt Nam.
Thế giới chuộng cà phê Arabica, chúng ta mạnh về dòng Robusta, vậy cần xác định trộn 2 dòng cà phê hay phát triển dòng Abarica? Từ cây cà phê, các nước chế ra được nhiều sản phẩm, nhưng chúng ta vẫn đang sản xuất thô. Do đó, chúng ta cần định vị lại việc xây dựng thương hiệu.
“Bộ NN&PTNT đã xây dựng vùng nguyên liệu cho Tây Nguyên. Thành công hay không còn do địa phương, doanh nghiệp và nông dân cùng làm. Nhiều doanh nghiệp cà phê lớn không tham gia Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. Do đó, muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói.
Chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” do báo Người Lao Động tổ chức tại Trung tâm thương mại Gigamall, số 240-242 Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Tham gia sự kiện có nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng như: Trung Nguyên, King Coffee, K Coffee, Phúc Sinh, Meet More, Đôi Dép, Mr.Nam, The Sense, Rita Võ, Sơn Trang, Napoli, Phinn Café, Thái Châu, Lekofe, Ông Bầu…
Đến tham dự chương trình, khách được thưởng thức miễn phí cà phê do bartenders của các thương hiệu cà phê pha chế. Chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” sẽ bế mạc vào trưa 5/3.
Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập báo Người Lao Động:
Để phát triển cà phê Việt Nam cần định hướng và phải hiểu thế giới. Muốn bán được cà phê cần hiểu khẩu vị của người dùng từ văn hóa đến khẩu vị. Chúng ta chưa sử dụng hết giá trị cây cà phê, hạt cà phê. Một ly cà phê của Nhật Bản vào Việt Nam giá 145.000 đồng, vậy phải tính lại giá trị và như vậy các Hiệp hội cần làm gì, doanh nghiệp phải làm gì, kỹ sư làm gì, chính quyền địa phương làm gì"?