Việt Nam xuất siêu 7,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm
Theo số liệu Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố sáng 5/7, trong tháng 6/2025, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng 5/2025 và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Cảng hàng hóa Cát Lái, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Tính chung, 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 6/2025 đạt 39,49 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD, tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,85 tỷ USD, giảm 0,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,4%.
Trong quý 2/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,6% so với quý I năm 2025. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9,4%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 161,55 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 73,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 72,3%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%; nhóm hàng thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,32 tỷ USD, chiếm 0,6%. Theo chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,79 tỷ USD, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,87 tỷ USD, giảm 8,2%. So với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 tăng 20,2%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 2,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,7%. Trong quý II, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12,9% so với quý I năm 2025. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,38 tỷ USD, tăng 22,3%. Trong 6 tháng đầu năm nay có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,0% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 56,8%). Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 198,92 tỷ USD, chiếm 93,7%; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 51,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 42,5%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 13,28 tỷ USD, chiếm 6,3%. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 62 tỷ USD tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU đạt 19,0 tỷ USD, tăng 11,6%; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 69,1%; nhập siêu từ Trung Quốc đạt 55,6 tỷ USD, tăng 42,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 14,6 tỷ USD, tăng 0,1%; nhập siêu từ ASEAN đạt 7,5 tỷ USD, tăng 67,4%. Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề xuất, Chính phủ tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đồng thời, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu. Để tiếp tục thúc đẩy gia tăng giá trị, chất lượng và thị phần xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tập trung hoàn thiện và cụ thể hóa các thể chế mang tính định hướng phát triển thị trường nông sản và hội nhập phù hợp với các luật chuyên ngành được sửa đổi, ban hành. Đồng thời, tập trung triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế…
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-xuat-sieu-7-63-ty-usd-trong-6-thang-dau-nam/379378.html