Việt Nam xuất siêu sang nhiều thị trường khó tính
Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, với con số kỷ lục trong năm 2023.
Xuất khẩu hàng hóa năm 2023 dù lỗi hẹn với mục tiêu tăng trưởng 6%, về đích với 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022, nhưng vẫn có không ít dấu ấn của các ngành hàng xuất khẩu lớn, bám chặt các thị trường chủ chốt, duy trì cán cân thương mại ở mức thặng dư.
Theo báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 12 và 12 tháng năm 2023 của Bộ Công thương, Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Năm qua, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 83 tỷ USD; xuất siêu sang EU ước đạt 29,1 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,6 tỷ USD).
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức xuất siêu như: Điện thoại các loại và linh kiện xuất siêu 44,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ xuất siêu 11,24 tỷ USD; thủy sản xuất siêu 6,4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện xuất siêu 5,42 tỷ USD; rau quả xuất siêu 3,62 tỷ USD; dây điện và cáp điện xuất siêu 775 triệu USD; hạt điều xuất siêu 451 triệu USD...
Cán cân thương mại cả năm ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần mức xuất siêu của năm 2022 (12,1 tỷ USD).
"Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế", Bộ Công thương nhấn mạnh.
Tổng quan trong năm qua, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Năm 2023, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 61,67 tỷ USD, tăng 6,4% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: EU giảm 5,9%, ước đạt 44,05 tỷ USD, xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 32,74 tỷ USD, giảm 4,1%, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 23,49 tỷ USD, giảm 3,4%, xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 23,47 tỷ USD, giảm 3,2%.
Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 8,7%, ước đạt 7,86 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 6,7%..., cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Ngành Công thương đặt mục tiêu cán cân thương mại của nước ta trong năm 2024 tiếp tục xuất siêu 15 tỷ USD.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-xuat-sieu-sang-nhieu-thi-truong-kho-tinh-d206907.html