Việt - Nhật thúc đẩy hợp tác công nghiệp mũi nhọn
Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi khẳng định Nhật Bản ủng hộ mục tiêu của Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Chiều 3-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Thống nhất nhiều nội dung hợp tác
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng mong muốn Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn; khảo sát, khai thác, chế biến, sản xuất các nguyên vật liệu mới; tiếp tục mở cửa cho nông nghiệp, thủy sản Việt Nam, nhất là hoa quả tươi vào Nhật Bản và đặc biệt là hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghệ sinh học, công nghiệp dược, trang thiết bị y tế để nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Thông báo tới Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả kỳ họp lần thứ 6, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi cho biết hai bên đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước.
Đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi cho biết Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam thông qua các nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là trong chuyển giao khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… cũng như hợp tác trong các cơ chế đa phương.
Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn hai bên tập trung xây dựng và triển khai các dự án "đầu tàu" - biểu tượng cho hợp tác công nghiệp giữa hai nước, mang tính dẫn dắt trong các lĩnh vực mũi nhọn, các ngành hướng tới tương lai, trong đó có sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp dược và chăm sóc sức khỏe, chế biến thủy hải sản…; mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc hai bên lập các tổ công tác để thúc đẩy hợp tác; nhấn mạnh cần giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai các thỏa thuận đã đạt được; tăng cường kết nối, hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân, trong đó Nhật Bản xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp visa, hướng tới miễn visa cho người Việt Nam vào Nhật Bản.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Cùng ngày, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường ĐH Việt - Nhật (trực thuộc ĐHQG Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai", nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học, sử học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu về Việt Nam của các học giả Nhật Bản và đánh giá kết quả nghiên cứu về Nhật Bản của các học giả Việt Nam.
Nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử quan hệ bang giao lâu dài, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được tăng cường và củng cố; đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu và là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hai nước đang hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bàn về trào lưu và khuynh hướng nghiên cứu Nhật Bản học tại Việt Nam, GS-TS Nguyễn Văn Kim, Giám đốc Trung tâm Biển và hải đảo - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhận định: "Từ thời kỳ Đổi mới (1986), Việt Nam thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu về Nhật Bản đã trở thành xu thế trên quy mô toàn quốc. Trong khoảng 30 năm, trào lưu và khuynh hướng chính được các nhà nghiên cứu Việt Nam tập trung quan tâm gồm: lịch sử; kinh tế; quan hệ quốc tế, chính trị; văn hóa, xã hội và nghiên cứu liên ngành trong những năm gần đây. Các định hướng nghiên cứu này đã phản ánh sự đa dạng về nội dung và đầu tư công phu cho khoa học. Nhiều đề tài thể hiện được sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế. Các trung tâm, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về Nhật Bản tại Việt Nam được thành lập và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm, đạt được thành tựu cao hơn trong nghiên cứu.
Hội thảo đã mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh của hai nước được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu.
Đề nghị Nhật Bản hợp tác đầu tư chip bán dẫn
Ngày 3-11, lễ trao giải chương trình "Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023" (Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản: Đường tới thành công) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức.
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giới thiệu thêm các doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học của Nhật Bản phù hợp có thể đặt văn phòng, trung tâm R&D, nhà máy sản xuất thử nghiệm tại NIC cơ sở Hòa Lạc; đề nghị Nhật Bản tiếp tục nghiên cứu hợp tác đầu tư vào Việt Nam, tập trung những ngành trọng tâm như: chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy thông minh, chuyển đổi số, cùng với đó là đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Nishimura Yasutoshi khẳng định sẽ hỗ trợ một số dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trong đó ưu tiên tại 2 lĩnh vực: Chuyển đổi số và phát triển xanh.
M.Chiến