Việt Tân lại 'cầm đèn chạy trước ôtô'

Ngày 7-7-2022, trên YouTube xuất hiện video clip với tiêu đề 'Dân oan: Đảng đứng về phía tham nhũng nên mới để dân mất đất không còn nhà ở'. Video clip này do tổ chức khủng bố Việt Tân đăng lên chứa nội dung 1 người đàn ông và 2 trẻ em đến gây rối tại trụ sở tiếp công dân quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Cả 3 cùng giơ các biểu ngữ, khẩu hiệu đòi lại đất, đặc biệt người đàn ông quay clip có những lời nói xúc phạm Đảng, Nhà nước, cơ quan công quyền.

Clip này sau khi đăng đã thu hút rất nhiều lượt xem và bình luận. Đa số bình luận đều đến từ những kẻ “đu càng” ở hải ngoại, là thành viên tích cực “cào phím” của Việt Tân để được “nhuận bút”. Chúng đồng thanh phản đối Luật Đất đai của Việt Nam. Chúng cho rằng Luật Đất đai khiến ngày càng có nhiều dân oan trên khắp 63 tỉnh, thành. Chúng xuyên tạc trắng trợn chính điều luật quy định đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do Nhà nước quản lý đã tạo điều kiện cho quan chức lợi dụng cướp đất của dân. Từ đó, chúng đưa ra yêu cầu Quốc hội phải sửa đổi ngay Luật Đất đai hiện hành. Quá trình sửa luật phải theo hướng công nhận sở hữu tư nhân hoặc chế độ đa sở hữu giống như một số nước đang áp dụng. Có thể nói, đây là hành vi bóp méo sự thật rất nguy hiểm. Chúng lợi dụng vụ việc nhỏ, thổi phồng thành chuyện lớn, từ đó kích động người dân đòi hỏi các quyền lợi về đất đai, tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, làm khó chính quyền ở nhiều địa phương.

Đây cũng là hành động “cầm đèn chạy trước ôtô”. Thực tế, Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII diễn ra từ ngày 4 đến 10-5-2022 đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về vấn đề tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Tại hội nghị, khi họp bàn về vấn đề đất đai để ban hành các quyết sách thúc đẩy phát triển, Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn đánh giá, nhấn mạnh lĩnh vực quản lý đất đai còn nhiều tồn tại, hạn chế. Lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của Trung ương trong định hướng tầm nhìn vấn đề đất đai, nhằm tạo tối đa điều kiện thuận lợi, nội lực sẵn có để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.

Luật Đất đai ra đời lần đầu tiên vào năm 1987. Luật Đất đai trải qua từng thời kỳ đều đặn 10 năm thay đổi 1 lần cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Cụ thể, Luật Đất đai năm 1993, năm 2003 và năm 2013 đã được ban hành cùng với nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Từ năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất với tổng thu mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhưng từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, các khoản thu từ đất có rất nhiều thay đổi. Tổng thu từ đất năm 2004 là 17.594 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chính là tiền sử dụng đất chiếm 80% tổng thu từ đất. Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Kể từ đó, hằng năm, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất chiếm khoảng 10,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, năm 2020, Nhà nước thu khoảng 141.766 tỷ đồng. Như vậy, sau các lần thay đổi chính sách về đất đai cho phù hợp, thực tiễn đã cho thấy tài nguyên đất là nguồn lực quan trọng, tạo điều kiện rất tốt để phát triển đất nước. Phấn đấu đến năm 2030, mức thu đạt 15-20% tổng thu ngân sách.

Không riêng gì Việt Nam, tất cả quốc gia trên thế giới đều xem tài nguyên đất là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Nếu biết cách sử dụng, khai thác đất hợp lý thì sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc thực thi Luật Đất đai, đặc biệt là chế độ sở hữu, sử dụng ở một số nước lại có sự khác biệt rõ rệt nhất định. Điều đó là hoàn toàn bình thường và không thể xem luật của nước này là quy chuẩn để rồi áp đặt lên nước khác phải làm như vậy. Mỗi quốc gia có quá trình lịch sử hình thành, phát triển khác nhau, Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý vì thể chế chính trị chúng ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không một tổ chức, cá nhân nào có thể bắt buộc Việt Nam làm khác vì đó là lựa chọn của nhân dân và dân tộc ta.

Ông cha ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trách nhiệm của mỗi người dân hiện nay phải giữ gìn, phát huy tốt nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Tài nguyên đất đai là nguồn lực vô cùng to lớn, vì vậy đường lối, chính sách, pháp luật về đất đai có ý nghĩa quan trọng, là bàn đạp, bệ đỡ để phát triển kinh tế - xã hội. Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về đất đai đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm. Đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà không một thế lực nào có thể bôi nhọ, xuyên tạc; không âm mưu đen tối, đê hèn nào có thể cản bước.

Văn Dũng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/135322/viet-tan-lai-cam-den-chay-truoc-oto