Viết tiếp câu chuyện hòa bình
50 năm kể từ ngày non sông liền một dải, ký ức lịch sử không hề phai nhòa, mà đang hồi sinh mãnh liệt trong những trái tim trẻ đầy tự hào và trách nhiệm. Ngày 30-4 năm nay không chỉ là dấu mốc trọng đại của lịch sử, mà còn là dịp để thế hệ trẻ nhìn lại chính mình, để sống xứng đáng với những người đã ngã xuống, để viết tiếp tương lai bằng tri thức và tình yêu đất nước.
Yêu nước theo cách của người trẻ
Trong bức tranh hòa bình của đất nước hôm nay, người trẻ là những nhân vật chính mang trong mình tình yêu nước nồng nàn và nhiều màu sắc. Yêu nước không chỉ là cầm súng ra trận mà là cách người trẻ gắn bó với quê hương, hành động thiết thực để xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Họ là thế hệ không còn phải sống giữa chiến tranh bom đạn, nhưng đang sống giữa một thời đại đầy thách thức về sự cạnh tranh toàn cầu, sự biến động nhanh chóng về công nghệ, văn hóa… Trong dòng chảy đó, người trẻ chọn cách yêu nước rất riêng, rất mới và cũng rất Việt Nam.


Trong bức tranh hòa bình rực rỡ hôm nay, người trẻ đang viết tiếp tinh thần yêu nước bằng những gam màu rất riêng mà rất chân thành và bản lĩnh. Họ yêu nước qua từng hành động cụ thể: học tập nghiêm túc, sống trách nhiệm và sẵn sàng dấn thân vì cộng đồng
Những ngày tháng Tư lịch sử, bạn Nguyễn Ngọc Lan, sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh tự hào khoác lên mình bộ áo dài, đến thăm Dinh Độc Lập để lưu giữ những hình ảnh trước thềm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngọc Lan bày tỏ: “Là người con của thành phố mang tên Bác, em cảm thấy vô cùng tự hào khi được sống và học tập trên mảnh đất từng ghi dấu những mốc quan trọng của lịch sử dân tộc. Dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, em và các bạn chọn đến thăm Dinh Độc Lập - nơi gắn liền với chiến thắng lịch sử năm 1975 trong trang phục áo dài truyền thống. Đó không đơn thuần là hoạt động chụp ảnh lưu niệm mà còn là cách chúng em tri ân và thể hiện tình yêu đất nước”.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, người trẻ khoác lên mình tà áo dài truyền thống, lưu giữ ký ức bằng những khung hình đẹp bên các địa danh thiêng liêng của dân tộc. Ảnh: Ngọc Thuận

Trên dọc các con đường tại TP. Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ dừng chân trước các triển lãm, lặng nhìn những tư liệu lịch sử. Ảnh: Trương Hiện
Tình yêu đất nước hôm nay còn được thắp lên từ những bài học lịch sử, qua câu chuyện của những người ông, người cha đã đi qua chiến tranh. Sinh viên Nguyễn Thị Hải, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tình yêu đất nước đến với em từ những câu chuyện ông kể mỗi chiều ngồi bên hiên nhà. Ông em từng tham gia kháng chiến và chính ông đã gieo trong em hạt giống về lòng yêu nước. Lớn lên, được học tập trong môi trường giàu truyền thống và thường xuyên được tiếp xúc, tìm hiểu những tư liệu, hiện vật lịch sử, em càng thấy tự hào và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị ấy. Yêu nước với em không chỉ là cảm xúc, mà là hành động bằng việc học tập tốt, sống tử tế và luôn cố gắng để không phụ lòng thế hệ đi trước”.
“Chúng ta được sống trong hòa bình là nhờ sự hy sinh, đánh đổi bằng máu và nước mắt của bao thế hệ cha anh. Nhìn lại chặng đường ấy, em cảm thấy vô cùng biết ơn và tự hào. Nhưng không chỉ dừng lại ở cảm xúc, chúng em hiểu rằng bổn phận của mình là tiếp nối truyền thống, không ngừng phấn đấu để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, phồn vinh”.
Sinh viên ÐÀO TRẦN THANH,
Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Sài Gòn
Không cần đến những biểu ngữ, khẩu hiệu, lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay vẫn được lan tỏa. Họ yêu nước bằng cách học hành chăm chỉ, giữ gìn bản sắc văn hóa, ý thức rõ vai trò của mình trong dòng chảy phát triển đất nước. Họ yêu nước bằng cách sống có lý tưởng, có trách nhiệm, biết trân trọng lịch sử và sẵn sàng học hỏi để làm chủ tương lai. Tình yêu ấy không ồn ào, nhưng lan tỏa mạnh mẽ trong từng hành động nhỏ, từng suy nghĩ lớn, từng ước mơ bay xa. Đó là lòng yêu nước bình dị mà sâu sắc, lặng lẽ mà bền bỉ.
Người cầm súng để ta cầm bút
Ở tuổi 87, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4, vẫn luôn đau đáu một điều: thế hệ trẻ phải vươn lên, học tập để khẳng định mình. Ông đã từng cầm súng, để hôm nay những người trẻ có thể cầm bút, sống trong hòa bình. Ông mong muốn thế hệ trẻ nỗ lực cống hiến, học hỏi không ngừng để xây dựng đất nước, cùng chung tay viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Thế hệ chúng tôi đã cầm súng chiến đấu để giành lại độc lập và giờ đây, tôi mong các bạn trẻ hãy tiếp tục hành trình đó bằng cách học tập, cống hiến và sống có trách nhiệm. Tôi tin các bạn có đủ năng lực, bản lĩnh để đưa đất nước vươn xa hơn nữa. Ðiều quan trọng là hãy luôn giữ trong tim tình yêu nước nồng nàn bởi đó là ngọn lửa thiêng liêng để không ai có thể khuất phục dân tộc ta”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh,
nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4 căn dặn thế hệ trẻ: Chúng tôi từng cầm súng giành độc lập, giờ mong các bạn tiếp nối bằng học tập, ra sức cống hiến và sống có trách nhiệm. Tôi tin các bạn đủ bản lĩnh đưa đất nước vươn xa. Ảnh: Như Nam
Với Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, đó là một lời dặn dò vừa giản dị vừa sâu sắc: “Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử đầy gian nan, nhưng chưa một kẻ thù nào đánh bại được ý chí của con người Việt Nam. Tôi đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay - những người đang kế thừa truyền thống đó bằng khát vọng mới, tư duy mới. Dù đất nước có phát triển đến đâu, kinh tế có hội nhập ra sao, tôi mong các bạn trẻ luôn nhớ: truyền thống ông cha là gốc rễ, là linh hồn dân tộc. Hãy giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, bền bỉ và kiên định mỗi ngày”.

Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 gửi gắm: Tôi đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - những người đang tiếp nối truyền thống bằng khát vọng và tư duy mới. Các bạn hãy luôn nhớ truyền thống ông cha là gốc rễ dân tộc. Giữ gìn Tổ quốc không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động kiên định mỗi ngày
Chính những người đã từng cầm súng, từng sống và đối mặt với cái chết trong gang tấc mong muốn lớp trẻ hôm nay không cần cầm súng, mà hãy cầm bút. Bút để học hành, để nghiên cứu, để sáng tạo, để viết tiếp câu chuyện hòa bình bằng khoa học, văn hóa và tri thức. “Trong thời đại số, người trẻ có rất nhiều cơ hội để phát triển và khẳng định mình. Nhưng song song với cơ hội là trách nhiệm. Đó là lý do tôi luôn tự hỏi “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” để soi rọi chính mình mỗi ngày” - anh Nguyễn Mạnh Đình, Bí thư Chi đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Hòa bình là kết tinh của máu, nước mắt và ý chí quật cường của biết bao thế hệ. 50 năm sau ngày non sông nối liền một dải, chúng ta không còn nghe tiếng súng, không còn thấy khói lửa chiến tranh, nhưng câu chuyện hòa bình vẫn đang được tiếp tục viết. Hôm nay, khi bước chân người trẻ chạm vào những nơi từng là trận địa năm xưa, họ không chỉ nhìn thấy hiện vật lịch sử mà còn lắng nghe được tiếng vọng thiêng liêng. Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, cầu Hiền Lương… giờ là nơi để các bạn trẻ chiêm nghiệm, để tự hỏi: “Nếu không có những người ngã xuống, liệu mình có được đứng ở đây trong một đất nước yên bình và phát triển như thế này?”. Câu trả lời ấy trở thành động lực để thế hệ hôm nay sống trách nhiệm hơn.


Chương trình nghệ thuật “Câu chuyện hòa bình” và triển lãm tem, kỷ vật cách mạng do Trường đại học Sài Gòn phối hợp Câu lạc bộ Viet Stamp thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh góp phần tiếp thêm ngọn lửa yêu nước để các bạn trẻ càng tự hào, trân trọng quá khứ
Viết tiếp câu chuyện hòa bình là khi người trẻ biết quý trọng từng phút giây hiện tại, biến lòng biết ơn thành hành động, sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Không cần những điều lớn lao, mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể góp sức vào bản hùng ca ấy: là một kỹ sư công nghệ chế tạo thành công phần mềm “Make in Vietnam”; là một bác sĩ trẻ sẵn sàng tình nguyện đến những vùng khó khăn; là một giáo viên miệt mài gieo chữ nơi đảo xa… Tất cả đều đang viết tiếp lịch sử bằng hành động, bằng tri thức, lòng nhân ái và lý tưởng sống.
Câu chuyện hòa bình chưa bao giờ kết thúc mà chỉ thay đổi bối cảnh, nhân vật và hình thức thể hiện. Và mỗi người trẻ hôm nay, bằng tất cả yêu thương, bản lĩnh và trách nhiệm đang là một “người viết” đầy tiềm năng. Họ không viết bằng súng đạn mà bằng sự tử tế, kiên định và lòng tự hào dân tộc để hòa bình sống mãi với thời gian. Bởi “người cầm súng để cho ta cầm bút” thì từng nét bút hôm nay phải đủ sâu, đủ sáng, đủ mạnh để viết tiếp giấc mơ Việt Nam.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171993/viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh