Viết tiếp Câu chuyện nỏ Thần An Dương Vương: Giáo sư chế tạo tàu ngầm nổi tiếng thế giới bất ngờ về siêu vũ khí của người Việt cổ
Tận mắt xem mũi tên đồng Cổ Loa tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, GS.TSKH Vladimir Koroman - 'cha đẻ' của một loạt tàu ngầm nổi tiếng thế giới không giấu được sự ngạc nhiên và xúc động về những mũi tên mà người Việt cổ chế tạo cách đây 2.300 năm không khác gì các mũi tên flechette của không quân trong Thế chiến I và các mũi tên flechette rải từ UAV, drone, máy bay ngày nay…
Cuộc gặp của những nhà quân sự nổi tiếng
Vào trung tuần tháng tư vừa qua, GS.TSKH Vladimir Koroman, một nhà khoa học tầm cỡ thế giới đến Việt Nam thăm người bạn cũ - Thượng tướng Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu.
GS.TSKH Vladimir Koroman nguyên là Viện trưởng Viện Hàng hải Brodarski Institute, Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư (nay là Croatia). Ông còn được biết đến là người đã trực tiếp chế tạo thành công 14 tàu ngầm, trong đó có loại còn vượt trội hơn tàu ngầm Kilo.
Cuộc gặp gỡ của hai người bạn già đầy ắp kỷ niệm diễn ra tại Văn phòng Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, tọa lạc tại con phố hướng ra hồ Tây lộng gió…
GS.TSKH Vladimir Koroman tự hào chia sẻ, thời Nam Tư cũ, đất nước nhỏ bé này là một trong 7 nước trên thế giới có công nghệ tàu ngầm và là nước duy nhất các tàu ngầm không xảy ra một tai nạn hay sự cố nào. Điều thú vị nữa qua lời kể của ông, Croatia chính là nơi phát minh ra chiếc cravat và nhảy dù. Tất nhiên người Việt biết nhiều vì nơi đây là cường quốc bóng đá với dân số chỉ bằng một quận của Hà Nội nhưng là Á quân của World Cup 2018…
Chia sẻ niềm tự hào của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đề nghị GS.TSKH Vladimir Koroman xem xét, đánh giá và đưa ra ý kiến kỹ thuật về nỏ thần An Dương Vương - vũ khí của người Việt xưa đã chiến thắng 50 vạn quân Tần…
Câu chuyện truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” đã thực sự thu hút nhà khoa học tầm cỡ thế giới. Thú vị hơn khi ông được biết mô hình nỏ Thần An Dương Vương đã được một kỹ sư người Việt chế tác thành công - kỹ sư Vũ Đình Thanh (Hiện đang làm việc tại Liên hiệp khoa học, sản xuất NPO Almaz thuộc Tập đoàn hàng không vũ trụ Almaz-Antey của Nga).
Từ nỏ thần đến công nghệ đạn chùm flechette
Trở lại câu chuyện kỹ sư Vũ Đình Thanh chế tác thành công nỏ thần An Dương Vương mà Báo PLVN đã từng đề cập, với thành công này, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã có bằng độc quyền sáng chế toàn thế giới về loại nỏ bắn bằng ống cùng lúc về lý thuyết có thể bắn tới cả vạn mũi tên đồng Cổ Loa (số 33480 do Cục Sở hữu trí trí tuệ cấp ngày 25/08/2022).
Kỹ sư Vũ Đình Thanh đánh giá, nỏ thần có khả năng giết được vạn quân chỉ bằng một phát bắn đúng như những gì hàng chục cuốn sử cả Việt Nam và Trung Quốc ghi lại. Anh khẳng định, cấu tạo các mũi tên đồng Cổ Loa hoàn toàn trùng hợp với các mũi tên flechette mà không quân trong Thế chiến I dùng để thả từ máy bay tiêu diệt bộ binh và kỵ binh địch, các mũi tên đồng Cổ Loa cũng giống công nghệ đạn chùm flechette ngày nay.
Kỹ sư Thanh còn đưa ra một ý kiến rất táo bạo, đó là trong cuộc kháng chiến chống quân Tần, người Việt đã dùng công nghệ đạn chùm flechette, tức là bắn các mũi tên đồng từ trên cao để chiến thắng 50 vạn quân Tần. Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, người đã trực tiếp có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng ngày phải đối phó với đạn chùm flechette từ máy bay của quân đội Mỹ…
Tận mắt xem xét mũi tên đồng Cổ Loa tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, GS.TSKH Vladimir Koroman đã không giấu được ngạc nhiên, ông hỏi đi hỏi lại rằng có phải những mũi tên này được người Việt làm ra từ cách đây 2.300 năm không. Giáo sư cũng đồng quan điểm cho biết những mũi tên này không khác gì các mũi tên flechette của không quân trong Thế chiến I và các mũi tên flechette rải từ UAV, drone, máy bay ngày nay.
Giáo sư cho biết, các nhà khoa học châu Âu phải nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng, mất rất nhiều thời gian mới chế tạo được các flechette rải từ máy bay ngày nay… “Không đơn giản tí nào, nếu các bạn để ý sẽ thấy tại sao các flechette ngày nay có cấu tạo giống hệt mũi tên đồng Cổ Loa mà không có hình dạng nào khác… Đó là vì trọng tâm phải nằm phía đầu nhọn, chuôi phải vừa phải, flechette ngày nay và mũi tên đồng Cổ Loa xưa đều dài khoảng 11cm, đầu mũi tên đồng Cổ Loa còn có cấu trúc tinh vi để gây ra hiệu ứng quay quanh trục còn nguy hiểm hơn flechette ngày nay. Tỷ trọng vật liệu cũng được tính toán để thắng được sức cản không khí, bởi nếu thả tên bằng gỗ hay nhựa từ trên cao sẽ bị không khí cản lại và không gây nguy hiểm. Rất nhiều yếu tố và là kết quả nghiên cứu mất rất nhiều thời gian mới chế tạo được” - GS.TS Vladimir Koroman phân tích.
Ông cũng đưa ra thông số sử dụng flechette y hệt như mũi tên đồng Cổ Loa là sát thương khi rải từ độ cao 18,5m, máy bay thời Thế chiến I thường rải flechette từ độ cao từ 46 - 220m, lý tưởng nhất là từ độ cao 95 - 120m.
Vị Giáo sư nổi tiếng này cũng cho rằng, mũi tên đồng Cổ Loa trong bảo tàng ngay lập tức có thể thay thế được cho các flechette ngày nay và nếu thả vào đội hình tập trung không ẩn nấp thì cả đội hình sẽ bị tiêu diệt…
GS.TSKH Vladimir Koroman cũng đồng tình việc kỹ sư Thanh đưa ra ý kiến các mũi tên đồng Cổ Loa chính là đạn chùm flechette? Vì theo Giáo sư, đây là điều hiển nhiên, bất kỳ kỹ sư vũ khí nào nhìn thấy những mũi tên này đều phải đưa ra kết luận ngay lập tức đó chính là đạn chùm flechette ngày nay. “Đó là điều hiển nhiên!” - ông khẳng định nhiều lần.
Niềm tự hào dân tộc…
Giữa trưa nắng gắt, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu cùng với Trung tướng GS.TS Nguyễn Đình Chiến vẫn đang ngắm bắn để kiểm chứng nỏ thần phục dựng của kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh. Vị tướng già reo lên mừng rỡ: “Trúng rồi!” khi chùm hàng chục mũi tên Cổ Loa bắn ra từ nỏ thần phục dựng bắn trúng mục tiêu…
Chia sẻ với PLVN, kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết, thời gian qua ông và các cộng sự đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm bắn thử nỏ thần, trong đó có cuộc cùng lúc bắn 15 mũi tên trúng mục tiêu hơn 200m, rồi kiểm chứng về mặt lý thuyết và thực tế. Loại nỏ mà kỹ sư Thanh có bằng độc quyền sáng chế có hình dáng y hệt như trong Lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa, có thể cùng lúc bắn được cả vạn mũi tên…
“Nếu bắn từ độ cao từ 19m trở lên một lần bắn một vạn mũi tên vào đội hình tập trung của quân địch, sức sát thương sẽ khiến toàn bộ quân địch bị tiêu diệt thây chết đầy đồng như nhiều sử sách xưa đã ghi nhận. Chúng tôi hiện tại chưa có điều kiện bắn nỏ thần từ độ cao này nhưng vì các mũi tên Cổ Loa có hình dáng, khối lượng hoàn toàn trùng hợp với các mũi tên flechette được thả từ máy bay trong Thế chiến I để tiêu diệt mục tiêu là bộ binh và kỵ binh (y hệt như quân Tần và quân Triệu Đà 2.300 năm trước) nên chúng tôi có thể sử dụng kết quả từ các flechette thả từ máy bay trong Thế chiến I, tức là tối thiểu từ 19m sẽ gây sát thương, tốt nhất là từ độ cao 50 - 220m thì xuyên được cả mũ sắt. Như sử sách ghi lại, Vua An Dương Vương có đối địch với quân Triệu Đà tại vùng núi Tiên Du cao đến cả 600m, vậy thì nếu ở độ cao đó các flechette mũi tên đồng Cổ Loa sẽ có vận tốc lao vào giặc tới hơn 110m/s và như vậy xuyên mọi giáp sắt cũng như xuyên quân giặc đúng như sử sách đã ghi” - kỹ sư Vũ Đình Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo kỹ sư Thanh, quan trọng hơn cả là anh đã tìm ra cách đánh của người Việt xưa để tiêu diệt 50 vạn quân Tần. Đó là nguyên lý đạn chùm flechette bắn từ trên núi cao xuống đội hình tập trung của địch. Đồng nghiệp của kỹ sư Thanh là các chuyên gia vũ khí nổi tiếng thế giới tại Tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Almaz Antey nổi tiếng với các tên lửa phòng không S300 - S500 cũng đồng tình với khám phá của kỹ sư Thanh khi cho rằng người Việt xưa chính là người đã nghĩ ra nguyên lý đạn chùm flechette khi chế tạo ra nỏ thần và mũi tên đồng Cổ Loa.
Theo GS.TSKH Vladimir Koroman, công nghệ đạn chùm flechette là công nghệ rất đặc biệt, chuyển động nhanh dần đều chỉ nhờ sức hút trái đất chứ không nhờ lực của thuốc nổ hay sức mạnh của cánh cung nỏ gì cả. “Rải flechette, tức mũi tên đồng Cổ Loa càng cao càng tốt. Người xưa chưa biết đến lực hút của trái đất nên coi đó là sức mạnh của thánh thần cũng là điều dễ hiểu” - Giáo sư khẳng định.
Trong cuộc trao đổi với GS.TS Vladimir Koroman, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh ý nghĩa của các nghiên cứu về vũ khí xưa của người Việt cổ, trong đó có nỏ thần An Dương Vương. Ông cũng bày tỏ mong muốn Giáo sư nếu có điều kiện phổ biến các thông tin này cho giới khoa học, chính trị tại châu Âu. Đó là Nhà nước Việt Nam đã tồn tại trên mảnh đất Việt Nam từ thuở hồng hoang, có vũ khí khác biệt hoàn toàn không những chỉ với phương Bắc mà còn với cả thế giới, người Việt đã chiến đấu vì nền độc lập, vì chủ quyền của mình cho đến ngày nay và sẽ luôn chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình chống lại mọi loại giặc ngoại xâm.