Viết tiếp 'đường đi' của các lò ảnh màu ở Hà Nội những ngày chưa xa

Trước nhu cầu tiêu thụ ngày một cao, nhiều đường dây thu mua vật tư ngành ảnh từ Đông Âu về Việt Nam rộ lên…

Những bức ảnh cưới thời bao cấp luôn là kỷ niệm quý giá

Những bức ảnh cưới thời bao cấp luôn là kỷ niệm quý giá

Đường đi của những vật tư ngành ảnh

Thế kỷ trước, nếu CHDC Đức nổi tiếng về giấy ảnh, máy ảnh và ống kính thì Tiệp Khắc lại rất được ưa chuộng về máy phóng ảnh. Còn Hungary có thương hiệu giấy ảnh Forte rất uy tín với giới làm buồng tối vì phim có chụp già sáng, non sáng mà ra ảnh vẫn đạt yêu cầu. Nắm bắt được thị trường trong nước, dân chuyên đánh hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa qua đường hàng không đã hình thành đội quân săn lùng hàng, mà chủ yếu là hàng CHDC Đức. Trong đám ấy có một nhân vật thuộc diện “có số má” tên là T “gió”. T “gió” sống lâu năm ở Đức, chuyên đánh hàng từ Đức về Việt Nam và ngược lại.

T “gió” đi xuất khẩu lao động từ thời kỳ đầu. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, gã chuyển nghề đánh quần bò, áo da, đồng hồ…. Mỗi khi có đơn, ngay tức thì đội quân của T “gió” tỏa đi các thành phố lớn, thị trấn vùng sâu, vùng xa vét hàng. Có năm Hà Nội thịnh hành mốt áo lông Đức thì chưa đầy 1 tháng đã có chục thùng hàng áo lông được chuyển về qua đường hàng không. Khi nhu cầu vật tư ảnh lên cơn sốt, đương nhiên T “gió” vào cuộc.

Nhưng để gom được số hàng lớn cũng không phải dễ. Vì cái thông tin “phim, giấy ảnh ở nhà đang khan hiếm” đã được truyền đi khắp cộng đồng người Việt. Tất cả lập tức đổ xô đi vét hàng, chưa kể những người Việt sang công tác hay các đoàn tham quan cũng lùng mua mỗi người vài hộp giấy ảnh, vài chục cuộn phim nên nhiều nơi thông báo hết hàng. Là một con sói già có kinh nghiệm, lại quen làm ăn lớn, T “gió” móc nối được một số đối tượng bản xứ để đánh hàng từ gốc với số lượng lớn chuyển về Việt Nam.

Những năm tháng bao cấp, dân buôn vật tư ngành ảnh đã theo những chuyến tàu Bắc - Nam để đánh hàng từ Hà Nội vào Sài Gòn

Những năm tháng bao cấp, dân buôn vật tư ngành ảnh đã theo những chuyến tàu Bắc - Nam để đánh hàng từ Hà Nội vào Sài Gòn

Ở Hà Nội lúc này cũng hình thành nhiều đường dây đánh hàng. Khi miền Nam khan hiếm loại giấy ảnh nào, cần bao nhiêu phim Orwo, ngay tức thì ít ngày sau đã có hàng chuyển vào. Ngược lại, Hà Nội sẽ được nhận những mặt hàng như giấy ảnh màu Kodak, thuốc tráng rửa ảnh màu thủ công. Những năm 1985 -1986, Hà Nội mới bắt đầu nhen nhóm các lò ảnh màu thủ công trong khi Sài Gòn đã đi trước mấy năm. Đã có vài thợ ảnh Hà Nội vào trong Nam học hỏi kỹ thuật. Để làm ra được tấm ảnh màu đòi hỏi các thiết bị, máy móc, hóa chất chuyên dụng.

Thợ Sài Gòn lúc ấy chỉ dùng giấy ảnh và hóa chất của hãng Kodak thông qua người nhà di cư sang Mỹ năm 1975 gửi về bằng nhiều con đường. Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực gia công ảnh màu là ông Nguyên Cầu và ông Kỳ Nam.

Ở Thông tấn xã còn có ông Mẫn, hiệu ảnh Đức Đông. Ông Mẫn đi học ngành ảnh ở CHDC Đức nên mang được kỹ thuật làm ảnh màu về nước rồi triển khai ngay tại cơ quan. Cơ sở sản xuất ảnh Nguyên Cầu lúc nào cũng có khoảng trên dưới 10 thợ làm buồng tối vừa ảnh đen trắng, vừa ảnh màu. Minh Tùng - chủ doanh nghiệp Minilab nổi tiếng ngày nay cũng từng là một trong những thợ tráng rửa ảnh của Nguyên Cầu khi xưa.

Những chuyện cười ra nước mắt

Khi chưa chủ động được nguồn giấy và thuốc tráng rửa thì các lò ảnh màu Hà Nội vẫn phải phụ thuộc vào dân buôn đánh hàng từ Sài Gòn, hoặc mày mò xử lý các nguyên liệu từ Đức, Tiệp Khắc. Do làm buồng tối thủ công, lại không có máy đo màu nên khi ra ảnh, màu sắc lúc tím, lúc xanh, lúc vàng, chất lượng ảnh rất kém. Sau này có đường dây chuyên đánh hàng từ Sài Gòn ra Hà Nội thì những tấm ảnh màu làm trên giấy Kodak mới được chuẩn màu. Ngày ấy chỉ có đám cưới nhà giàu mới dám thuê thợ ảnh chụp cả cuốn phim màu Kodak, chứ thường chỉ chụp 1-2 cuốn phim đen trắng hoặc 5 -10 kiểu ảnh màu do giá thành ảnh màu rất đắt. Bây giờ chẳng mấy ai còn in ảnh nữa, người ta lưu trữ cả vạn tấm trên điện thoại.

Do khan hiếm, thiếu thốn nguyên liệu, vật tư ảnh mới đẻ ra nhiều chuyện dở khóc dở cười trong giới nhiếp ảnh Hà Nội. Chuyện là thế này, đang vào vụ cưới, các lò ảnh thủ công làm không hết việc, thợ bận tối mặt cả ngày lẫn đêm. Hà Nội có lò thủ công của ông C rất đông khách do ảnh đẹp, giá cả phải chăng, thời gian nhanh. Khách của ông đông tới mức tốp thợ này vừa nhận ảnh và ra về thì đã có ngay tốp thợ khác mang phim chụp đám cưới tối qua đến làm. Gần chục thợ tráng rửa phim, thợ buồng tối chia nhau làm theo ca, cùng 3 máy phóng ảnh của ông C chạy hết công suất mới giải phóng hết số phim do thợ chụp mang đến.

Những hiệu ảnh vỉa hè của một thời bao cấp

Những hiệu ảnh vỉa hè của một thời bao cấp

Do lượng phim nhiều trong khi giấy ảnh lại thiếu nên ông C phải lùng sục hết các đại lý chuyên buôn phim, giấy ảnh ở Hà Nội để vét hàng, nhưng cũng chỉ đủ để làm trong vài ngày. Đang đau đầu về khâu giấy ảnh thì thình lình có ông khách buôn thông báo còn hộp giấy Orwo tem đỏ cỡ 18x24.

Mừng như vớ được vàng, ngay tối hôm đó ông C sai người cầm tiền đi mua hộp giấy đó về để giải phóng số phim khách liên tục mang đến. Đến khi vào buồng tối mở hộp giấy ảnh ra thì cả chủ lẫn thợ tá hỏa khi bên trong là tập bìa carton được cắt xén gọn gàng bọc trong lớp giấy đen như mọi hộp giấy Orwo khác. Ông C mang hộp giấy rởm phóng xe máy đi tìm ngay ông khách buôn quý hóa, nhưng tay bợm đã lặn mất tăm. Đó là những kỷ niệm khó quên về thời gian khó mà những người làm nghề ảnh không thể nào quên đến tận ngày nay.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-tiep-duong-di-cua-cac-lo-anh-mau-o-ha-noi-nhung-ngay-chua-xa-post557617.antd