Viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đang đến gần, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với Hà Nội. Đặc biệt, ông là một trong 5 khách mời sẽ tham gia Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử 'Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai' do Báo Lao động Thủ đô tổ chức vào ngày 26/9. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu thêm sự kiện trọng đại này cũng như những biến chuyển trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô suốt 70 năm qua.

Phóng viên: Là một nhà văn, nhà báo gắn bó với Hà Nội, ông có thể chia sẻ ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc ta.

Trước hết, sự kiện này mang lại hòa bình cho miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Người dân không còn phải sống trong cảnh nô lệ, áp bức của chế độ thực dân. Đây là thành quả của cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của toàn dân tộc.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Thứ hai, Hà Nội tiếp tục là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 như tiếp nối của lịch sử dân tộc. Đây là vùng đất thiêng có thế “rồng cuộn, hổ ngồi” như Thái Tổ Lý Công Uẩn đã viết trong “Chiếu dời đô”. Ngài mong muốn mảnh dất này sẽ “là thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Thứ ba, Ngày Giải phóng Thủ đô mở ra một kỷ nguyên mới cho người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Người nông dân Thủ đô được chia ruộng đất,người công nhân làm ra của cải cho xã hội, không phải vất vảlàm giàu cho giới chủ.

Cuối cùng, Hà Nội cùng với miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc về tinh thần và vật chất cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phóng viên: Để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội làm hậu phương vững chắc cho công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có công sức rất lớn của giai cấp công nhân - tổ chức Công đoàn Thủ đô. Chính vì thế, Báo Lao động Thủ đô tiến hành tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề như trên. Với tư cách là nhà nghiên cứu, người lao động, người con của Hà Nội, ông đánh giá thế nào về chủ đề Tọa đàm mà Báo chọn, đồng thời “phác thảo” đôi nét về công cuộc dựng xây Thủ đô thân yêu thời đó?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Lao động Thủ đô là tờ báo của tổ chức Công đoàn; là diễn đàn của công nhân, viên chức lao động nên tôi đánh giá rất cao về chủ đề Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, viết tiếp tương lại”. Nhằm khắc họa bức tranh sinh động của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô những năm tháng sau ngày Giải phóng. Đồng thời, gợi mở, đề xuất những giải pháp để nâng tầm của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và Thủ đô.

Quân giải phóng tiến về Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Quân giải phóng tiến về Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Ngày 17/10/1954, tức là sau 7 ngày tiếp quản thành phố, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn và đưa ra biện pháp giữ gìn an ninh trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Việc đầu tiên là cung cấp điện và nước sạch cho thành phố, như vậy là công nhân nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy nước Yên Phụ là lực lượng tiên phong tham gia tái thiết thành phố sau chiến tranh.

Để phát triển kinh tế đặc biệt là công nghiệp xây dựng, từ năm 1956 nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô lớn được xây dựng ở Đông Nam, Nam và phía Tây thành phố dần mọc lên đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Bắc. Ở ngoại thành đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh phục vụ cho cán bộ, công nhân và nhân dân Thủ đô.

Để xóa bỏ những ổ chuột do chế độ cũ dể lại, giải quyết chỗ ở cho người lao động Thủ đô, các khu tập thể cao tầng đã được dựng ở nhiều nơi trong thành phố. Đầu tiên là khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, sau đó là Trung Tự, Giảng Võ, Khượng Thượng, Bách Khoa... Nhà ở cao tầng là mô hình mới về giải quyết chỗ ở nhưng là minh chứng cho những nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân của chính quyền Thủ đô.

Từ giữa năm 1964, Hà Nội dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ: Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt. Đặc biệt, ngày 9/8/1964, thanh niên Thủ đô đã phát động phong trào Ba sẵn sàng: Sẵn sáng nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu lao động xây dựng miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ được giao. Trong hai thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, dù cuộc sống thiếu thốn, gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã vượt qua,dũng cảm, hiên ngang chiến đấu, một mặt vẫn nỗ lực lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miềm Nam.

Sau đổi mới năm 1986, Hà Nội là một trong những đô thị đi đầu cả nước trong việc ổn định và phát triển kinh tế. Thủ đô xuất hiện nhiều công ty tư nhân hoạt động trong linh vực sản xuất và dịch vụ, doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã chọn Hà Nội để đầu tư, cùng với doanh nghiệp nhà nước, các thành phần kinh tế khác mang lại việc làm và đóng thuế để Hà Nội có nguồn lực phát triển.

Cho đến ngày hôm nay, Hà Nội đã có những thay đổi vô cùng to lớn. Hạ tầng cơ sở được đầu tư mạnh mẽ với hệ thống tàu điện trên cao, mở nhiều tuyến đường mới, các khu chung cư cao tầng mọc lên khắp nơi và ngoại thành mang lại bộ mặt khang trang, văn minh cho Thủ đô. Người dân Hà Nội rất vui mừng và tự hào về những thành tựu này. Họ mong muốn tiếp tục xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại hơn nữa.

Ông có lời khuyên gì cho công nhân lao động, đoàn viên công đoàn Thủ đô trong việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Hà Nội?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi nghĩ rằng dù làm việc ở bất kỳ thành phần kinh tế nào, người lao động cần ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Hà Nội không chỉ là một thành phố lớn mà còn là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế. Vì vậy, mỗi người lao động cần góp phần xây dựng hình ảnh một Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Thứ hai, người lao động cần gắn bó với nơi làm việc, biết chia sẻ khó khăn, thuận lợi và thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Nếu có vấn đề về quyền lợi lao động, nên thông qua kênh Công đoàn các cấp để giải quyết thay vì hành động tự phát.

Thứ ba, đối với những người từ nơi khác đến Hà Nội làm việc, cần tôn trọng và học hỏi lối sống, cung cách ứng xử của người Hà Nội. Điều này không chỉ giúp họ hòa nhập tốt hơn mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô.

Cuối cùng, tôi tin rằng với tinh thần và truyền thống văn hóa tốt đẹp, thế hệ công nhân, người lao động trẻ sẽ tiếp tục "viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội", góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến về cuộc trò chuyện rất thú vị và ý nghĩa này!

Tôi nghĩ rằng dù làm việc ở bất kỳ thành phần kinh tế nào, người lao động cần ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Hà Nội không chỉ là một thành phố lớn mà còn là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế. Vì vậy, mỗi người lao động cần góp phần xây dựng hình ảnh một Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Phương Bùi (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/viet-tiep-hao-khi-thang-long-dong-do-ha-noi-178040.html