Việt Tú: Tôi bị stress vì ảnh hưởng dịch bệnh, phải làm nhiều việc để có thu nhập
Ca sĩ Việt Tú cho biết, dịch bệnh kéo dài đã tác động mạnh mẽ đến sân khấu biểu diễn trong suốt hơn 1 năm qua. Là ca sĩ mà không được hát đã khiến anh bị stress, phải làm nhiều việc để duy trì mức sống hàng ngày.
Chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội về những tác động đến cuộc sống do dịch thời gia qua, ca sĩ Việt Tú cho biết, là một nghệ sĩ sống bằng công việc biểu diễn, nguyên một năm qua kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống và công việc của anh cũng như nhiều nghệ sĩ khác bị ảnh hưởng không nhỏ. Giãn cách xã hội, không tụ tập đông người… đồng nghĩa với việc các chương trình event, hội nghị khách hàng, các sân khấu ca nhạc phải tạm dừng. Nghệ sĩ rơi vào cảnh mấp mé thất nghiệp, mất thu nhập và hơn cả đó là sự nhớ nghề, nhớ sân khấu, nhớ khán giả.
"Thử hỏi bạn là ca sĩ mà lâu không được hát thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Buồn, chán,đôi khi stress là những cảm giác thường trực mỗi khi có dịch xuất hiện. Nhưng dịch COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi ngành nghề chứ không riêng gì ngành nghệ thuật giải trí. Và muốn ổn định sớm thì tất cả cũng phải vì mục tiêu chung của cộng đồng, cùng chung tay thực hiện thông điệp 5K để đẩy lùi dịch bệnh", Việt Tú tâm sự.
Không có show diễn, nhiều nghệ sĩ như Việt Tú phải tính cách xoay chuyển sang nghề khác để tạm thời vượt qua mùa dịch.
Ngoài việc là một ca sĩ, Việt Tú còn làm MC và đi dạy thêm về kĩ năng mềm ở một số trung tâm đào tạo. May mắn là cũng vẫn kiếm được thêm một phần thu nhập nho nhỏ tạm đủ bù trừ cho chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhận thêm công việc thu âm, đọc lời bình cho phim doanh nghiệp, phóng sự…
"Nghĩ lại thì dù khó khăn trong giai đoạn này nhưng ít nhiều vẫn thấy bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người. Nhiều đồng nghiệp của tôi rơi vào cảnh điêu đứng, không đi hát là cũng không biết làm gì khác. Những người đỡ hơn khi tập kinh doanh online, bán một số những mặt hàng, vừa giải quyết được vấn đề thu nhập, bên cạnh đó cũng là một cách để trang trải cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh", nam ca sĩ cho hay.
Nghệ sĩ Hồng Liên may mắn hơn vì còn có lương hưu, mỗi tháng được khoảng 5 triệu nên ít ra vẫn còn khoản thu nhập "cứng".
Chị bảo: "Trước Tết, tôi nhận được nhiều show diễn lễ hội nhưng vì dịch, các chương trình đều bị hủy bỏ. Tôi hơn các bạn trẻ là vẫn còn có lương nhưng lại thiệt thòi hơn vì không đi hát nữa thì không biết làm gì. Phần vì mình có tuổi, thứ nữa là tôi không biết kinh doanh. Ngoài lo cho bản thân, tôi còn phải lo cho con cái nên thời gian qua quả thực khá khó khăn. Nếu chỉ một vài tháng thì còn đỡ, đằng này một năm qua sân khấu biểu diễn rất ảm đạm".
Không có thu nhập đã buồn nhưng điều đáng sợ hơn với nghệ sĩ là không được hát. "Cảm giác tù túng, bí bách vô cùng khi không được đứng trên sân khấu, giao lưu với khán giả. Nghệ sĩ sống bằng đam mê, nay bị dừng lại thì nhớ nghề, nhớ sân khấu vô cùng. Nhiều khi nhớ quá, tôi phải livestream để được giao lưu với khán giả, rồi hát vài bài cho đỡ thèm", nghệ sĩ Hồng Liên nói.
Diễn viên Trịnh Kim Chi cũng tiết lộ tình trạng ảm đạm của các bạn trẻ vốn chưa có nhiều tên tuổi trong nghề. "Họ đi làm trong siêu thị, có những bạn đi làm ở quán cafe, có người bán hàng online. Hầu như tôi thấy bán hàng online là nhiều. Có những bạn phải về quê lánh dịch, phụ giúp gia đình", cô nói.
Đứng ở vai trò người quản lí sân khấu, nữ diễn viên cho biết bản thân vô cùng trăn trở khi chứng kiến các đồng nghiệp lao đao vì kinh tế khó khăn. Cô cho hay mình chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho các diễn viên, chứ không đủ sức đảm bảo kinh tế cho họ như thời điểm bình thường trước đó.
Với các nghệ sĩ trẻ đã vậy, nghệ sĩ cao tuổi còn khó khăn hơn. Tại TP HCM, các nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, kịch nói, ảo thuật, xiếc… thuộc nhóm tuổi cao đã được hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng tháng.
Thời gian này cũng là dịp các nghệ sĩ làm quen nhiều hơn với nền tảng mạng xã hội để tránh bị stress và nhớ khán giả. Ngay như Hoài Linh, Thanh Lam, vốn không mấy quan tâm đến mạng xã hội thì nay cũng chăm chỉ tương tác hơn để có cơ hội giao lưu với khán giả. Nhờ có mạng xã hội Tiktok mà nghệ sĩ Hoài Linh trở nên bận rộn hơn mỗi ngày. Mỗi video của anh trung bình nhận được 5-6 triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận.
Diva Thanh Lam chia sẻ: "Những ngày tháng giãn cách khiến nghệ sĩ chúng tôi đều khao khát được hát. Việc xuất hiện trực tuyến khiến chúng tôi không chỉ có hội gặp gỡ khán giả của mình mà còn góp phần chung tay cổ vũ cộng đồng vững tin chiến thắng dịch bệnh".
Nữ ca sĩ Ái Phương cũng từng cho biết, làm các clip ngắn trực tuyến giúp cô đỡ nhớ nghề trong thời gian trống lịch.
Ca sĩ Tân Nhàn thì có cách giải tỏa bằng cách tự học vẽ. Cô cho biết đã vẽ được nhiều bức tranh để treo ở nhà. Ngoài ra còn tặng bạn bè để làm kỷ niệm.
Diễn viên hài Chiến Thắng cũng vậy. Nhờ khoảng thời gian trống không đi biểu diễn mà đến nay, anh được nhiều khán giả gọi là họa sĩ. Anh dành một phòng riêng để làm phòng vẽ. Rất nhiều bức trang cỡ lớn về phong cảnh đã được anh hoàn thiện, trở thành nơi "đàm đạo" với người yêu tranh. Tuy nhiên, anh cho biết sẽ không bán, dù không ít người hỏi mua làm kỷ niệm.