Viết từ vọng gác đêm sương

'Có lệnh là đi', dường như chúng tôi đã quen với điều đó kể từ khi về Sư đoàn phòng không thủ đô này. Chiều 30 tết năm ấy, nhận được lệnh của Trung đoàn, chúng tôi lại hành quân về đơn vị mới làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu khối A sau khi đơn vị đã nấu bánh chưng, mổ lợn chuẩn bị tươm tất cho buổi tất niên. Và cũng chính trong đêm hôm ấy, khi đất trời sắp giao hòa vào thời khắc giao thừa thì tôi lại đóng chặt cúc áo, đội mũ cối gắn sao bước vào phiên gác trong ngổn ngang tâm trạng.

Đơn vị tôi là một Đại đội phòng không độc lập thuộc Trung đoàn bộ đóng quân trên địa bàn quận Gia Lâm (Hà Nội) có nhiệm vụ bảo vệ hai mục tiêu lớn là sân bay Gia Lâm và cầu Chương Dương với biên chế hỏa lực gồm 5 khẩu pháo phòng không 57, một sở chỉ huy và một trung đội khí tài. Ngoài việc bảo vệ bầu trời, đơn vị tôi còn hiệp đồng với công an và bộ đội địa phương bảo vệ an ninh - trật tự và an toàn trên địa bàn đóng quân. Khi có lệnh của cấp trên, toàn đại đội vào vị trí chiến đấu theo hiệu lệnh báo động. Công tác chuẩn bị chiến đấu triển khai rất nhanh, chỉ sau một phút là có thể khai hỏa sẵn sàng bắn trả, không để bị bất ngờ vì các tình huống trên không có thể xảy ra.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tôi còn nhớ rõ vào tối đêm 30, khi chúng tôi đang ăn tết vui vẻ thì có tiếng còi báo động. Cả đại đội lập tức bỏ đũa chạy ra trận địa lên mâm pháo, pháo quay bằng hệ thống điện vài vòng để phát hiện mục tiêu nhưng không thấy có điều gì bất thường nên lại trở vào ăn tết tiếp. Đêm giao thừa ấy, cả thành phố thức trong ánh đèn lung linh và tiếng xe cộ qua lại ồn ào nên phiên gác của tôi cùng các đồng chí khác gác ở trận địa khu chăn nuôi là một phiên gác có lẽ ít cô đơn nhất.

Trời Hà Nội vào đêm 30 sáng lắm những ánh pháo hoa nhưng ngoài vọng gác nơi chúng tôi đứng thì tĩnh lặng và lạnh lẽo vô cùng. Cả đơn vị đã đi ngủ im lìm vì để có sức khỏe sẵn sàng chiến đấu khi có báo động, không ai được thức khuya cả, dù đó là đêm giao thừa. Trong không khí im ắng ấy, bỗng có tiếng xe quen thuộc, tôi cầm súng có lưỡi lê và đạn thật lên bước ra khỏi vọng gác mở barie và đứng nghiêm giơ tay chào điều lệnh khi nhận ra đó là xe của trung đoàn trưởng xuống kiểm tra đơn vị. Cả đơn vị lại thức dậy tập trung sau tiếng kẻng. Tôi hình dung ra trong sân đại đội, trung đoàn trưởng và các đồng chí trong đoàn công tác sẽ kiểm tra quân số, chúc tết và giao nhiệm vụ cho đại đội. Tuy không nhận được những lời chúc trực tiếp nhưng tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của cấp trên. Khi chiếc xe rời khỏi gác chắn là lúc thời khắc giao thừa gần đến, trong lòng tôi bỗng gợi lên một nỗi buồn vô hạn.

Tôi nhớ những đêm giao thừa trước đó, anh em chúng tôi thường rủ nhau đến nhà thờ tổ thắp hương, rồi lại ra chùa cầu bình an và hái lộc về nhà. Sau thời khắc bắn pháo hoa và nghe Chủ tịch nước chúc tết thì cả nhà thường quây quần bên mâm xôi ăn thịt gà luộc rất vui vẻ, ấm cúng. Giờ đây bên vọng gác đêm sương, chỉ có mình tôi và cây súng giữa tiết trời lạnh giá. Vì không được dùng điện thoại nên dù nhớ người yêu quay quắt cũng không thể nhắn cho em một lời chúc tết, chỉ thấy yêu thương và những kỷ niệm dội về như một thước phim quay chậm. Em yêu ơi, anh có một ấp ủ là đợt về phép tới đây sẽ về thưa với bố mẹ đến nhà hỏi em làm vợ, để sau này khi rời quân ngũ, chúng ta sẽ được đón giao thừa cùng nhau dưới một mái nhà.

6 tháng nhập ngũ với thao trường vất vả mồ hôi, tôi nhớ lắm có lần bị ốm phải đi bệnh viện quân đội, người yêu đã lặn lội đường xa đến thăm. Nhớ cả cô y sỹ già đạp xe vượt trời mưa để đến bệnh xá khám bệnh cho bộ đội, trong đó có mình. Tôi còn như ngửi thấy mùi của bát cháo hành nóng hổi của chị hậu cần mang cho kèm theo lời động viên, an ủi. Và có lẽ cũng chẳng bao giờ quên được một đám tang của một cán bộ cấp tá được tổ chức theo nghi thức quân đội vì giây phút đó mới biết mình thật may mắn khi được sống, được cống hiến cho Tổ quốc. Đến đây thì tôi cười bởi thấy mình đã trở nên cứng rắn và bản lĩnh giống như một người đã thực sự khôn lớn, trưởng thành.

Tôi cười nhưng trong lòng vẫn nhớ nhà và thấy thương cha, mẹ với những đêm trằn trọc lo chuyện cơm áo, gạo tiền... Giờ tôi muốn lắm được về nhà để xoa đấm cái lưng thoát vị đĩa đệm của mẹ và hỏi thăm căn bệnh tim mạch của cha nhưng nghĩ đến câu nói của bố mẹ: "Bọn tao đã kinh qua chiến tranh, sống chết trong tích tắc, gian khổ biết bao nhiêu nên nay anh em chúng bay có gian nan một chút thì hãy cố gắng vượt qua để hoàn thành nghĩa vụ. Lúc đó trở về muốn ước gì và làm gì cũng được", tôi lại nén lòng không cho phép mình buồn thêm nữa. Dù vậy, trong sâu thẳm vẫn thấy nhớ quê hương, nhớ cả vị ngọt của những chiếc kẹo ngày tết mà cô, bác dúi vào tay gọi là quà mừng tuổi; nhớ cái lạnh đỏ chân của những người dân làng khi đi cày cấy ngày giá rét để kịp nghỉ ngơi đón tết; nhớ các cụ cao tuổi, các chị phụ nữ, các bạn thanh niên ân cần, thân ái đến tiễn đưa tôi lúc lên đường nhập ngũ; nhớ cây quất ra hoa, nhớ cành đào ra lộc trong không khí rộn rã ngày xuân với muôn vàn những lời chúc may mắn cho nhau... Bất giác, tôi viết được cả mấy câu thơ đầy tâm trạng: “Vọng gác phòng không hiên ngang anh đứng/ Giữ im cây súng, giữ yên bầu trời/ Giữ yên cuộc đời, trong đó có cả/ Dòng sông bến cả quê anh, quê em”.

Thời khắc giao thừa cuối cùng rồi cũng đến. Tôi đứng thẳng, tay vịn cây súng và nhắm mắt ước cho mình một điều ước giống như mọi năm tôi vẫn làm như vậy. Chỉ có điều khác là, năm nay, điều ước của tôi không chỉ cho riêng cho mình và người thân mà còn cho cả muôn người. Tôi ước, năm mới đến, nhà nhà đều được bình an, hạnh phúc, thế giới không còn chiến tranh và không ai phải chịu đau khổ nữa.

Mai Vui

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tan-van/viet-tu-vong-gac-dem-suong/30267.htm