Việt Yên: Phát triển hạ tầng thương mại, khắc phục 'vùng trũng' dịch vụ
Thương mại, dịch vụ (TMDV) là một trong những tiêu chí quan trọng để huyện Việt Yên (Bắc Giang) lên thị xã. Do đó, huyện đang nỗ lực xây dựng, phát triển hạ tầng TMDV, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần hoàn thành xây dựng thị xã Việt Yên trong thời gian tới.
Hạ tầng TMDV chưa đáp ứng
Xã Quang Châu có 8 thôn với 1,7 vạn dân. Ngoài ra còn gần 20 nghìn công nhân đang ở trọ trên địa bàn (thời kỳ cao điểm là 35 nghìn công nhân). Tuy nhiên, trên địa bàn xã lại không có chợ dân sinh.
Ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ trước đến nay, người dân trong xã vẫn mua sắm hàng tiêu dùng tại chợ Nếnh (thị trấn Nếnh) và các chợ tại TP Bắc Ninh. Cũng vì lý do gần các chợ dân sinh ở địa bàn lân cận nên dù không có chợ nhưng năm 2015 xã vẫn đạt tiêu chí “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” và về đích nông thôn mới. Mấy năm gần đây, có hơn 100 nghìn công nhân đến làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) tại huyện Việt Yên, trong đó hàng chục nghìn người đến Quang Châu ở trọ nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ, đặc biệt là tiêu thụ hàng tiêu dùng tăng đột biến. Do đó, hạ tầng TMDV tại địa bàn xã chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Hiện, hai xã Quảng Minh và Ninh Sơn cũng được đánh giá là “vùng trũng” về TMDV. Nguyên nhân là do khu vực này dân số đông nhưng chưa có chợ, các loại hình dịch vụ khác chậm phát triển. Cuối năm 2022, xã Ninh Sơn xây dựng xong chợ tại thôn Nội Ninh nhưng hiện UBND xã vẫn chưa đưa vào hoạt động vì chưa đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy và chưa đấu thầu việc quản lý, khai thác, vận hành chợ. Vào buổi chiều hằng ngày vẫn có hàng chục người dân trong xã mang nông sản, thực phẩm ra bán tại khu vực ngã 5 đường vành đai 4, giáp với khu chợ mới được xây dựng, ảnh hưởng mỹ quan và mất an toàn giao thông.
Giáp ranh xã Quang Châu, Quảng Minh là thị trấn Nếnh. Địa phương này có 23 nghìn dân và hơn 20 nghìn công nhân đang ở trọ. Dù trên địa bàn có hai chợ là My Điền và Nếnh, cùng hàng chục tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh nhưng vẫn phải tiếp tục nâng cấp mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân, công nhân làm việc trên địa bàn và các địa phương lân cận. Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Ban quản lý chợ Nếnh cho biết, trong chợ có 400 gian hàng với đủ loại hàng hóa, từ sản phẩm tươi sống đến thời trang, dụng cụ sản xuất, nhưng nhiều nhất vẫn là thực phẩm.
Theo ông Cường, đây là chợ đầu mối rau, củ, quả, thịt lợn, cá… phục vụ các bếp ăn công nghiệp trong huyện và TP Bắc Ninh. Chỉ tính riêng thịt lợn, mỗi ngày 25 hàng thịt trong chợ tiêu thụ gần 20 tấn. Là một trong những chợ lớn nhất huyện nhưng được xây dựng từ năm 2003 nên hiện mái và nhiều hạng mục đã hư hỏng. Nền chợ bị bong chóc, lại bị nước thải từ giết mổ gia cầm, cá, rửa phản thịt… chảy tràn lên nền rất mất vệ sinh. Phía ngoài chợ, dọc đường tỉnh 295B có cả trăm sạp hàng được bày bán tự do cản trở giao thông vào giờ cao điểm trong ngày.
Tích cực thu hút đầu tư phát triển TMDV
Theo đại diện UBND huyện Việt Yên, khó khăn trong xây dựng, phát triển hạ tầng TMDV là do trên địa bàn huyện chủ yếu là chợ dân sinh, chợ truyền thống hình thành từ lâu đời, hoạt động theo tập quán, thói quen của người dân. Cũng có địa phương chưa xây dựng chợ, mặc dù quy hoạch đã được phê duyệt. Điều này dẫn đến tồn tại chợ cóc, chợ tạm, điểm buôn bán tự phát, gây mất mỹ quan đô thị, vi phạm quy định về vệ sinh môi trường và an toàn giao thông.
Một số địa phương có chợ nhưng hoạt động không hiệu quả do không thuận tiện về giao thông, quản lý kém. Phương án sắp xếp ngành nghề kinh doanh chưa khoa học. Một số chợ việc triển khai dự án chậm, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, như chợ Nếnh (mới), chợ trong khu nhà ở xã hội,...
Trước thực tế trên và để đáp ứng tiêu chí TMDV khi phát triển thành thị xã, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Việt Yên đã và đang triển khai 105 đồ án quy hoạch chi tiết, quy mô hơn 3,1 nghìn ha. Các đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC), khu DVTM đã cụ thể hóa một phần quy hoạch chung đô thị Việt Yên vừa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng đó, huyện bố trí 42 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 8 chợ dân sinh.
Huyện Việt Yên hiện có 14 chợ dân sinh, nông thôn do xã, thị trấn quản lý. Trong đó có 3 chợ hạng II, 11 chợ hạng III. Các chợ chủ yếu họp theo phiên vào buổi sáng. Các chợ đang hoạt động theo 3 hình thức quản lý: Ban quản lý chợ 1 chợ (Bích Động); doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 4 chợ; 9 chợ do các tổ quản lý chợ điều hành.
Đến nay, các dự án đã và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Việc cải tạo các khu chợ cũ như chợ Nếnh, Phúc Tằng (xã Tăng Tiến) góp phần hình thành các khu buôn bán tập trung có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt hơn. Một số chợ xây dựng mới, như: Ninh Sơn, Núi Hiểu, Bích Động góp phần mở rộng quy mô kinh doanh trên địa bàn huyện, tăng thu cho ngân sách.
Vừa qua, UBND huyện hoàn thành lựa chọn thu hút đầu tư đối với 3 dự án TMDV (tại lô CC3, KDC thương mại chợ Mới, thị trấn Bích Động; lô CC5 thuộc khu B, KĐT Đình Trám- Sen Hồ; Trung tâm TMDV hỗn hợp thuộc KĐT mới thị trấn Nếnh) và 1 dự án thu hút bệnh viện đa khoa chất lượng cao tại KDC đường Nguyễn Thế Nho với tổng mức đầu tư 1,1 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng Phòng Kinh tế huyện cho hay, cùng với thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng TMDV, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch TMDV để phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch đô thị trên địa bàn; điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất bảo đảm quỹ đất phát triển chợ... Huyện sẽ hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý; xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cho từng địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng thị xã Việt Yên trong tương lai, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Bài, ảnh: Thế Đại