Vietjet hiến kế phát triển hàng không, chắp cánh cho du lịch
Đại diện hãng hàng không Vietjet đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên toàn xã hội.
Ý tưởng được nêu trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam ngày 9/12 với chủ đề "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - Chắp cánh cho du lịch" đã thu hút sự tham gia của đại diện Bộ KH&ĐT, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), các hãng hàng không, các chuyên gia trong các lĩnh vực trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Việt Cường, thành viên HĐQT Vietjet đã nhấn mạnh những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, đề xuất hướng giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn đang khiến nền kinh tế nói chung, du lịch nói riêng chưa thực sự bứt phá.
Nói về Vietjet, ông Chu Việt Cường cho biết, những năm vừa qua, hãng hàng không tư nhân Vietjet đã vận chuyển 100 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Máy bay Vietjet mang trên mình hình tượng cờ đỏ sao vàng, biểu tượng du lịch Việt Nam và giai điệu bài hát “Hello Việt Nam” cất cánh trên bầu trời quốc tế được bạn bè, đối tác chào đón.
“Những việc này đã góp một phần thu hút đầu tư, du lịch và quảng bá cho hình ảnh Việt Nam đổi mới, một nền kinh tế thị trường đang phát triển với sự đóng góp của kinh tế tư nhân. Du khách quốc tế được trải nghiệm nhiều món ăn nóng tươi ngon đặc trưng phong vị Việt, thưởng thức các hoạt động đặc sắc giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam ngay trên tàu bay của Vietjet”, ông Chu Việt Cường nói.
Vietjet hiện có tới 2/3 số đường bay là các đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc… Còn ở Việt Nam, Vietjet có đường bay tới hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Thanh Hóa, Vinh, Chu Lai, Đồng Hới, Tuy Hòa, Phù Cát, Pleiku, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột…
Thời gian qua, Vietjet đã thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật mà không làm tăng nợ quốc gia, thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, Học viện Hàng không…
Đánh giá về hạ tầng hàng không Việt Nam, ông Chu Việt Cường đề xuất: “Cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, với các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng tham gia để tạo ra những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không, của nền kinh tế trong thời gian tới”.
Đồng thời, đề xuất có các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng trên toàn xã hội.
Lấy ví dụ, đại diện Vietjet cho biết, kinh nghiệm các nước cho thấy huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng hàng không là lời giải đúng đắn nhất để phát triển ngành hàng không. Tại Mỹ, tư nhân được phép đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay theo nhiều hình thức, trong đó phổ biến là hình thức đối tác công-tư (PPP). Tương tự như vậy, từ những năm 1980, khi Chính phủ Anh nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân thì cơ sở hạ tầng đã được cải thiện tốt hơn và chất lượng dịch vụ, an ninh cũng tốt hơn.
Về phía cơ quan quản lý, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ sở hạ tầng hàng không hiện nay còn đang thiếu rất nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà chứa máy bay, rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang tắc nghẽn do thiếu vốn đầu tư. Do đó, việc xã hội hóa cũng cần xem xét hiệu quả để đánh giá đầy đủ nhất.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Trí Dũng đề nghị Ban tổ chức Diễn đàn tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cam kết đồng hành và hỗ trợ tối đa để du lịch, hàng không Việt Nam phát triển bền vững, xứng tầm.