Vietnam Tax Summit 2025: Định hình chiến lược thuế trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa
Vietnam Tax Summit 2025 khẳng định thuế không còn là nghĩa vụ hành chính mà đang trở thành đòn bẩy chiến lược trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa.
Thuế không còn là nghĩa vụ
Diễn ra tại TP.HCM, Hội nghị thuế Việt Nam 2025 (Vietnam Tax Summit 2025) thu hút sự tham gia đông đảo từ cộng đồng tài chính, kế toán, thuế trong và ngoài nước.
Với chủ đề “Tái định hình chiến lược thuế trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa”, hội nghị nhấn mạnh rằng thuế không còn là một hoạt động tuân thủ hành chính đơn thuần, mà đang trở thành công cụ chiến lược then chốt trong vận hành và hoạch định phát triển doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch Câu lạc bộ giám đốc tài chính Việt Nam (CFO Vietnam) nhấn mạnh, trong nền kinh tế số, năng lực thích ứng với thay đổi về chính sách thuế là yếu tố bắt buộc, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Hội nghị thuế Việt Nam 2025 vừa được tổ chức thành công ở TP.HCM. Ảnh Quỳnh Anh
Từ góc nhìn toàn cầu, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chỉ ra rằng Việt Nam đang là điểm sáng tăng trưởng trong bối cảnh thế giới biến động: từ chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu đến cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).
Các chỉ số kinh tế tích cực như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,5%, sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, bán lẻ tăng 9,3%, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tăng 35% và giải ngân tăng 8% đang tạo nên nền tảng vững chắc để doanh nghiệp Việt chuyển đổi chiến lược thuế theo hướng chủ động, số hóa và dài hạn hơn.
Trong đó, khu vực tư nhân nổi lên là lực đẩy chính của nền kinh tế, nhờ sự đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ và cải tiến vận hành. Đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp gắn tư duy thuế vào chiến lược kinh doanh tổng thể, thay vì chỉ dừng lại ở việc xử lý báo cáo hay tuân thủ hình thức.
Cần chiến lược chủ động
Một trong những điểm nhấn tại hội nghị là chuỗi nội dung chuyên sâu về các thay đổi lớn trong chính sách thuế, đặc biệt là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) và các quy định xử phạt hành chính mới.
Theo bà Giang Bảo Châu, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến những điều chỉnh mới về thuế VAT, nhất là trong lĩnh vực thương mại nội địa, xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, quy định mới về thương mại điện tử xuyên biên giới đang tạo áp lực lớn lên các nền tảng kinh doanh số hóa vốn chưa có hệ thống kiểm soát thuế chặt chẽ.
Hội nghị cũng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi mô hình quản trị thuế nội bộ, từ “phản ứng với rủi ro” sang “chủ động quản trị tuân thủ”. Doanh nghiệp được khuyến nghị tích hợp công nghệ, dữ liệu và kiểm soát nội bộ vào chiến lược thuế nhằm tối ưu chi phí, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi hiện hành.
Các nội dung “nóng” như hóa đơn điện tử, xử phạt hành chính mới, cơ chế chống chuyển giá… đều được phân tích kỹ, giúp doanh nghiệp không chỉ cập nhật chính sách mà còn hiểu rõ bản chất của “chi phí thuế” trong chuỗi giá trị vận hành.
Đặc biệt, các phiên thảo luận mở đã tạo ra không gian hiếm có để doanh nghiệp đối thoại trực tiếp với chuyên gia, chia sẻ các bài toán thực tiễn như hoàn thuế, kiểm tra hóa đơn hay tự động hóa quy trình báo cáo thuế.
Vietnam Tax Summit 2025 không chỉ dừng ở vai trò một sự kiện chuyên môn, mà còn đặt nền móng cho sự hình thành một hệ sinh thái quản trị thuế hiện đại, nơi doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn liền chiến lược thuế với chiến lược kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa.