Vietsovpetro mong muốn sửa đổi Luật Dầu khí và tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi
Chiều ngày 15/9, đoàn cán bộ phóng viên báo chí chuyên theo dõi, thông tin về hoạt động của Quốc hội đã đến thăm và làm việc tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) và chương trình phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Tham dự buổi làm việc về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn; ông Trần Hồ Bắc – Phó Tổng Giám đốc PTSC. Về phía Hội Dầu khí Việt Nam có TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội; đặc biệt là sự tham dự của hơn 40 phóng viên, nhà báo chuyên trách hoạt động Quốc hội.
Tiếp đoàn, về phía lãnh đạo Vietsovpetro có ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Tổng Giám đốc; ông Vũ Việt Kiều, Phó Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro, cùng đại diện lãnh đạo các phòng/ban, đơn vị liên quan.
Tại buổi làm việc, Vietsovpetro đã giới thiệu tổng quan hoạt động của liên doanh; đồng thời cho biết, đối với Vietsovpetro việc sửa đổi Luật Dầu khí có ý nghĩa quan trọng trong việc tính toán, lập và triển khai các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, qua đó Vietsovpetro kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn Luật Dầu khí sửa đổi, trong đó tập trung vào các giải pháp thu hút đầu tư và xác định vai trò vị trí của Petrovietnam theo nguyên tắc tăng cường phân cấp phân quyền, cải thiện thủ tục hành chính trong hoạt động dầu khí.
Bên cạnh đó, trải qua quá trình hình thành và phát triển, cùng với cơ sở hạ tầng Vietsovpetro cũng đã hình thành đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm và một nguồn quỹ phát triển sản xuất vững mạnh, tạo nên cơ sở vững chắc để Vietsovpetro tham gia đầu tư vào các lô dầu khí mới và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Do đó, Vietsovpetro mong muốn các cấp thẩm quyền tạo điều kiện cho Vietsovpetro được mở rộng hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và xem xét cho phép Vietsovpetro tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Quang Dũng nhấn mạnh những đóng góp và trách nhiệm của ngành dầu khí trong quá khứ, hiện tại, việc cấp thiết sửa đổi, bổ sung cơ chế để phát triển ngành trong tình hình mới. Đồng thời, trước những thách thức ngành dầu khí đang phải đối diện, đặc biệt là trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, với những tiềm năng, thế mạnh của ngành, câu chuyện phát triển trong tương lai của ngành Dầu khí cũng rất cần hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để ngành tiếp tục phát triển bền vững theo đúng định hướng của Đảng, Chính phủ và xu thế thời đại, đóng góp cho đất nước, cũng như góp phần thực hiện những cam kết quốc tế của đất nước liên quan đến năng lượng, môi trường.
TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, với những kinh nghiệm của ngành Dầu khí trong hoạt động thăm dò, khai thác, dịch vụ ngoài khơi, cơ sở vật chất, nguồn lực con người, những thông tin, hiểu biết về khí tượng, thủy văn, địa chất biển… là điều kiện thuận lợi để tham gia, tối ưu đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, tránh lãng phí, gia tăng hiệu quả, giảm giá thành. Ông Nguyễn Quốc Thập cũng kỳ vọng Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được thông qua, được thực thi trong cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của xã hội và doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, các phóng viên, nhà báo đã cùng trao đổi với đại diện lãnh đạo Vietsovpetro, Petrovietnam xoay quanh nội dung của buổi làm việc. Qua đó đã làm rõ, hiểu hơn về hoạt động của ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước; những thách thức, khó khăn về cơ chế, chính sách hiện tại đối với hoạt động của ngành rất cần được tháo gỡ thông qua Luật Dầu khí sửa đổi. Đồng thời trong thực hiện những định hướng phát triển của ngành Dầu khí thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng cũng cần được cởi trói về cơ chế nhằm tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của ngành để phát triển bền vững đúng với mục tiêu, sứ mệnh về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Dịp này, Đoàn công tác cũng đã thăm phòng truyền thống Vietsovpetro, tham quan và tìm hiểu thực tế về hoạt động của Vietsovpetro và ngành Dầu khí.
Trong 41 năm hình thành và phát triển, từ tấn dầu đầu tiên vào năm 1986, sản lượng dầu thô của Vietsovpetro đã tăng liên tục qua từng năm, lần lượt đạt mốc 20 triệu tấn dầu vào năm 1993, tấn dầu thứ 100 triệu vào năm 2001 và đạt mốc 200 triệu tấn dầu vào năm 2012.
Tính đến nay, Vietsovpetro đã khai thác hơn 244 triệu tấn dầu, đưa vào bờ hơn 36 tỷ m3 khí đồng hành. Doanh thu bán dầu và khí đạt 86 tỷ USD; Nộp ngân sách nhà nước 54 tỷ USD. Hơn 40 năm qua Vietsovpetro đã có hơn 2.000 sáng kiến đã được công nhận và áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng trăm triệu USD.