Viettel vô địch V.League 2020: Thành công đến từ sức mạnh tập thể
'Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta, hát mãi khúc quân hành ca' – đoạn nhạc 'Hát mãi khúc quân hành' của nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền đã hằn sâu trong ký ức của những người từng đến sân Cột Cờ để theo dõi đội Thể Công thi đấu. Ngày hôm qua, khúc ca lại vang lên hùng tráng trên sân Thống Nhất sau chiến thắng nghẹt thở của CLB Viettel giúp đội bóng này đăng quang ngôi vô địch.
Gạch nối thời gian
22 năm trước, Thể Công vô địch quốc gia khi sở hữu một trong những tập thể chất lượng, đồng đều nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Trần Tiến Anh trong khung thành, hậu vệ có Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Hải Biên, Phạm Như Thuần, Nguyễn Đức Thắng; tuyến giữa có Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Triệu Quang Hà và trên hàng công là Vũ Công Tuyền, Đặng Phương Nam, Thạch Bảo Khanh. “Quân” Thể Công khi đó cũng là nòng cốt của đội tuyển quốc gia, một phần quan trọng của “Thế hệ vàng” lừng lẫy.
22 năm sau, trên sân Thống Nhất, Trương Việt Hoàng đã ở tuổi 44. Bước sang ngưỡng trung niên, ông không còn vóc dáng của chàng tiền vệ hào hoa ngày nào từng vô lê cháy lưới Thái Lan trong trận đấu bán kết Tiger Cup 1998 tại sân Hàng Đẫy, nhưng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt thì vẫn vậy. Trương Việt Hoàng đã dẫn dắt Viettel đến với chức vô địch V.League lần đầu tiên theo đúng phong cách thi đấu mà những người hâm mộ vẫn nhớ về ông: hiệu quả, và một chút tinh quái.
Không ai khác ngoài vị HLV họ Trương là dấu gạch nối rõ ràng nhất của Thể Công năm xưa và Viettel hôm nay. Với những người từng yêu Thể Công, Viettel có thể không phải là một đội bóng “chân truyền” xét về nhiều mặt. Nhưng cái chất lính thì chắc chắn không mất đi đâu được. Nó nằm ở cái cách mà Viettel đã đi đến ngôi vô địch, lạnh lùng và chắc chắn như một chiếc xe tăng. Nó thể hiện ở tính kỷ luật mà đội bóng này đã luôn luôn thể hiện trong suốt mùa giải và trên gương mặt cương nghị của thủ quân Bùi Tiến Dũng, chàng trai sinh năm 1995 đã gia nhập lò đào tạo Viettel từ năm 14 tuổi.
Và có một điều trùng hợp: Cũng năm 2009 mà Bùi Tiến Dũng gia nhập lò đào tạo Viettel thì phiên hiệu Thể Công bị xóa sổ sau đúng 55 năm tồn tại với biết bao vinh quang, thăng trầm. Từ sự lụi tàn của một đội bóng từng được yêu mến nhất Việt Nam đến chức vô địch của “hậu duệ” là đúng 10 năm, một thập kỷ mà không ít lần sự tồn tại của Viettel từng đứng trên bờ vực. Đội bóng này từng phải chuyển giao suất chơi chuyên nghiệp, thậm chí đối mặt với nguy cơ giải thể.
Con phượng hoàng lửa đã hồi sinh từ đống tro tàn, dù hình hài đã khác thì vẫn mang trong mình dòng máu phượng hoàng. Trương Việt Hoàng và các học trò của ông có quyền tự hào vì họ đã tiếp nối được truyền thống hào hùng của tập thể “những anh lính đá bóng”, như lời bài hát “Hát mãi khúc quân hành”.
Chức vô địch của sự thực dụng
Viettel khởi đầu mùa giải bằng chiến thắng 1-0 trên sân Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, và khép lại mùa giải với chức vô địch cũng bằng chiến thắng 1-0 trước Sài Gòn FC. Tổng cộng cả hai giai đoạn, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng có 7 chiến thắng với tỷ số tối thiểu trên đường đến ngôi vô địch, trong đó có 5 trận ở giai đoạn 2.
6 trận cuối cùng, Viettel không để thủng lưới, thắng 5 và chỉ có duy nhất một trận hòa 0-0 trước Hà Nội FC, cũng chính là trận đấu bước ngoặt đến ngôi vô địch. Sự thực dụng và hiệu quả thật sự là yếu tố quan trọng nhất đem đến vinh quang cho tân vương V.League.
Cái cách mà Viettel đăng quang dưới sự dẫn dắt của HLV Trương Việt Hoàng làm gợi sự liên tưởng hành trình đến ngôi vô địch Premier League của Chelsea mùa giải 2004/05. Trong mùa giải đầu tiên của “Người đặc biệt” ở Stamford Bridge, Chelsea lên ngôi với chỉ 15 bàn thua, 25 trận giữ sạch lưới và 11 chiến thắng với tỷ số tối thiểu 1-0 sau 38 vòng đấu. Với Mourinho, việc không để thủng lưới quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, bởi “không có bàn thua thì chắc chắn có điểm”!
HLV Trương Việt Hoàng cũng có cách nghĩ tương đồng: “Điều quan trọng nhất tôi muốn là các học trò không được để thủng lưới. Họ phải chờ sai sót của đối phương để kết thúc trận đấu. Thắng đậm, ghi đến 4 bàn nhưng để thủng lưới 1 bàn thì tôi cũng không hài lòng”.
Điều thú vị là Viettel chỉ chuyển mình khi đã có những bài học lớn. Ở giai đoạn 1, sau 5 trận đấu từ vòng 2 đến vòng 6, đội bóng này ghi 7 bàn nhưng để thủng lưới đến 10 bàn (trong đó có trận thua CLB TP.HCM với tỷ số 0-3 và hòa Hoàng Anh Gia Lai 3-3), chỉ kiếm được đúng 5 điểm. Kể từ đó, Viettel đã càng ngày càng trở nên chắc chắn hơn với nòng cốt là bộ đôi trung vệ tuyển thủ quốc gia Bùi Tiến Dũng – Quế Ngọc Hải. 6 trận cuối cùng, họ ghi 5 bàn và kiếm về 16/18 điểm tối đa.
Viettel lên ngôi vô địch theo cách riêng của họ, trước đối thủ cạnh tranh Hà Nội FC vẫn rất hùng mạnh và đã thể hiện điều đó rõ nét ở những nỗ lực bám đuổi cuối cùng. Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đã giành thắng lợi chung cuộc trên chặng đường đua đầy cảm xúc của một trong những mùa giải kỳ lạ và hấp dẫn nhất của bóng đá Việt Nam bằng những trận thắng tối thiểu với hiệu quả tối đa. Những giọt nước mắt sau tiếng còi mãn cuộc trên sân Thống Nhất là thành quả của bản lĩnh thép và sự nỗ lực đến tột cùng, vinh quang dành cho Viettel hoàn toàn xứng đáng!
Những cột mốc đẹp
Với chuỗi 6 trận liên tiếp (tổng cộng 594 phút) không bị thủng lưới, Viettel đã san bằng kỷ lục giữ sạch lưới ở V.League của Bình Định ở mùa giải 2006. Trong 13 trận đấu của giai đoạn 1, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng có đến 9 trận bị thủng lưới, tổng số bàn thua là 15.
Về phía cá nhân, Nguyễn Trọng Hoàng trở thành cầu thủ đầu tiên ở V.League giành chức vô địch với 3 đội bóng khác nhau. Tiền vệ sinh năm 1989 lần đầu vô địch V.League 2011 cùng Sông Lam Nghệ An. Sau khi gia nhập B.Bình Dương, Hoàng “bò” có thêm 2 chức vô địch V.League vào các mùa 2014, 2015.
Chức vô địch cùng Viettel cũng giúp HLV Trương Việt Hoàng quên đi thất bại năm 2016 khi còn dẫn dắt Hải Phòng. CLB Hải Phòng khi đó bước vào vòng hạ màn V.League với cùng 47 điểm giống Hà Nội T&T nhưng kém hiệu số bàn thắng bại. Đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng có 3 bàn vào lưới Sông Lam Nghệ An để san bằng cách biệt hiệu số trước vòng cuối. Tuy nhiên Hà Nội T&T cũng đã đánh bại Thanh Hóa để đăng quang ngôi vô địch với hiệu số 45-28, +17 so với 47-32, +15 của Hải Phòng.