Vietur rộng cửa thắng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành: Nơi âm dòng tiền, nơi nặng nợ nần
Vietur là Liên danh nhà thầu xây dựng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành nên Vietur rộng cửa thắng gói thầu 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số các đơn vị trong liên danh đều đang đối diện với tình trạng hoặc doanh thu, hoặc lợi nhuận giảm, âm nặng dòng tiền và nợ rất cao.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành. Đây là Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây chưa phải kết quả cuối về việc trúng thầu dự án nhà ga Sân bay Long Thành. Theo ACV, hiện tại chỉ lựa chọn Vietur là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Chủ đầu tư Sân bay Long Thành sẽ thực hiện bước tiếp theo là chấm hồ sơ về tài chính. Bước tiếp theo, ACV sẽ tổ chức lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính cho Liên danh Vietur vào ngày 4/8. Công tác chấm thầu về mặt tài chính sẽ diễn ra trong tháng 8.
Liên danh Vietur gồm 10 thành viên. Ngoài Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại-Xây dựng ICISTAS đứng đầu, liên danh còn có Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Trong đó, Ricons, Newtecons và Sol E&C là ba doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương.
Doanh thu, lợi nhuận giảm sút
Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2023 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), trong kỳ, Hancorp ghi nhận 536 tỷ đồng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 67 tỷ đồng, tương đương 11,1% so với quý II/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 64 tỷ đồng, tương đương 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 chỉ còn 12,2 tỷ đồng, giảm 17,4 tỷ đồng, tương đương 58,8% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đạt 12,5 tỷ đồng, giảm sâu so với 30,1 tỷ đồng.
Doanh thu quý II/2023 của Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) giảm nhẹ từ 1.298 tỷ đồng xuống 1.274 tỷ đồng nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm giảm khá mạnh, giảm 444 tỷ đồng, tương đương 20,1% xuống chỉ còn 1.762 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tốc độ giá vốn tăng chậm hơn nên tính chung lại, lợi nhuận sau thuế quý 2 vẫn tăng từ 13,9 tỷ đồng lên 41,8 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng tăng từ 33,6 tỷ đồng lên 48,4 tỷ đồng. Doanh thu tại Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (Phục Hưng) tăng nhưng lợi nhuận lại “cài số lùi”.
Doanh thu quý II/2023 đạt 390 tỷ đồng, tăng so với 289 tỷ đồng của quý II/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng từ 710 tỷ đồng lên 737 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế quý 2 lại giảm sâu, giảm 9 tỷ đồng, tương đương 91,8% xuống chỉ còn 820 triệu đồng; lũy kế 6 tháng giảm 12,5 tỷ đồng, tương đương 80,6% xuống chỉ còn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân của nghịch lý này đến từ việc giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng mạnh.
Tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận hao hụt đáng kể.
Trong quý II/2023, doanh thu tại Vinaconex tăng từ 2.173 tỷ đồng lên 4.567 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng tăng từ 3.525 tỷ đồng lên 6.532 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế quý 2 lại giảm 42 tỷ đồng, tương đương 24,4% xuống 130 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng giảm 581 tỷ đồng, tương đương 80,7% xuống 139 tỷ đồng.
CTCP Hawee Cơ điện chứng kiến doanh thu và lợi nhuận cùng đi lùi. Doanh thu năm 2022 giảm từ 1.392 tỷ đồng xuống 1.363 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 27,6 tỷ đồng xuống 20 tỷ đồng.
Tiền giảm mạnh, âm nặng dòng tiền
Tại ngày 30/6/2023, Hancorp ghi nhật chỉ tiêu Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 172 tỷ đồng, giảm 238 tỷ đồng, tương đương 58% so với hồi cuối năm 2022. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 238 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 112 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Giống như Hancorp, dù lợi nhuận tại CC1 tăng mạnh nhưng CC1 vẫn chứng kiến tiền hao hụt nhiều. Hồi cuối quý 2/2023, Tiền và các khoản tương đương tiền tại CC1 chỉ còn 879 tỷ đồng, giảm 507 tỷ đồng, tương đương 36,6% so với cuối năm 2022.
CC1 còn được bổ sung bởi 251 tỷ đồng Đầu tư tài chính ngắn hạn (tất cả đều là tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn). Tuy nhiên, số tiền này cũng không đủ bù đắp cho 507 tỷ đồng tiền mặt đã hao hụt.
Kết quả là CC1 tiếp tục âm nặng dòng tiền. Tại ngày 30/6/2023, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại CC1 là âm 507 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 143 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Tiền mặt tại Phục Hưng giảm mạnh và ở mức rất thấp. Hồi cuối quý 2/2023, Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ còn 26,9 tỷ đồng, giảm 27,8 tỷ đồng, tương đương 50,8%. Tiền chỉ chiếm 0,95% tổng tài sản. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 27,8 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Vinaconex là âm 438 tỷ đồng, giảm so với con số âm 1.597 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ nần
Nợ nần tại CC1 đang có xu hướng tăng. Tại ngày 30/6/2023, Nợ phải trả tại CC1 đạt 10.076 tỷ đồng, tăng so với con số 9.479 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Trong đó, nợ vay (những khoản nợ phải trả lãi) đứng ở mức cao, lên đến 5.826 tỷ đồng, cao hơn Vốn chủ sở hữu (3.858 tỷ đồng).
Với khối nợ lớn như vậy, áp lực trả lãi vay tại CC1 không hề nhỏ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã phải chi 180 tỷ đồng để trả lãi vay. Lãi vay đã “ăn mòn” lợi nhuận của CC1.
Phục Hưng cũng đang có gánh nặng nợ nần. Tại ngày 30/6/2023, Nợ phải trả của công ty đạt 2.182 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 76,7% tổng nguồn vốn.
CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C là thành viên hiếm hoi trong liên danh không suy giảm doanh thu, lợi nhuận, không rơi vào tình cảnh âm nặng dòng tiền nhưng công ty lại chứng kiến nợ tăng rất mạnh. Tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Nợ phải trả của công ty đạt 1.363 tỷ đồng, tăng 826 tỷ đồng, tương đương 159% so với hồi cuối năm 2021.
Hồi cuối năm 2022, Nợ phải trả của Hawee Cơ điện là 1.125 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 77,9% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, Vinaconex cũng gánh trên lưng khối nợ khổng lồ lên đến 21.455 tỷ đồng hồi cuối quý 2/2023.