VIFTA: Đại lộ Việt Nam-Israel đã mở
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) chính thức được ký kết vào ngày 25/7, được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy củng cố mối quan hệ hợp tác, mở ra cơ hội lớn để hai nền kinh tế có cơ cấu khác nhau có thể bổ sung tốt cho nhau.
Israel là quốc gia đầu tiên ở Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA, trong khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA. Thông qua hợp tác này, Việt Nam và Israel kỳ vọng sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể trong đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ.
Hợp tác không hạn chế
VIFTA gồm 15 chương và các phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý - thể chế.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế, trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mục tiêu 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Do không cạnh tranh về cơ cấu kinh tế nên hợp tác song phương được đánh giá có nhiều lợi thế, mặt hàng của hai nước thường không cạnh tranh mà bổ sung cho thị trường của nhau. Hoạt động xuất nhập khẩu song phương sẽ lấp đầy khoảng trống trong nền kinh tế của nhau, thúc đẩy sự phát triển của mỗi bên trong những năm tới.
Theo nhận xét của Đại diện Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) - ông Ze’ev Lavie, những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng chính là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu Israel quan tâm tới thị trường Việt Nam và coi Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, logistics ổn định ở châu Á cho Israel.
Israel hiện là một trong những đối tác lớn về thương mại, đầu tư và lao động của Việt Nam tại khu vực Tây Á. VIFTA sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường lân cận như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Âu.
Ngược lại, cùng với dân số hơn 100 triệu người của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn khác tham gia 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Hiện diện rõ hơn ở Tây Á
VIFTA sẽ giúp Việt Nam vừa đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng quan hệ thương mại với khu vực Tây Á, Tây Nam Á - là khu vực hiện đang có những quan hệ kinh tế tương đối hạn chế và mong muốn được mở rộng, đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Theo giới chuyên gia, hiệp định thể hiện rõ nét chính sách của Việt Nam là hội nhập toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng quan hệ với tất cả các nền kinh tế. Đồng thời, hiệp định giúp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, cũng như được hưởng ưu đãi thuế quan dễ dàng hơn đối với các sản phẩm, hàng hóa công nghệ cao của Israel.
Điểm nổi bật của Israel là nền kinh tế có công nghệ cao, với những bước tiến đáng kể về công nghệ và nghiên cứu khoa học, sánh ngang với các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp. Do đó, FTA này không chỉ khơi mở hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao - lĩnh vực Việt Nam rất cần nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Gần đây, Việt Nam có xu hướng nhập siêu từ Israel do các mặt hàng máy tính, bo mạch và linh kiện điện tử với trị giá lớn để về sản xuất, gia công thành phẩm tại Việt Nam thuộc chuỗi hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, với mục tiêu chinh phục thị trường Tây Á, Israel đóng vai trò “bàn đạp” để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn, tiếp cận nhiều cơ hội hơn ở khu vực này.
Tìm cơ hội ở Đông Nam Á
Israel là đất nước nhỏ nhưng có nền kinh tế với hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của Việt Nam, khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 55.000 USD/năm. Hoạt động thương mại của Israel bình quân hằng năm khoảng trên 173 tỷ USD.
Không có nguồn tài nguyên dồi dào, diện tích có đến 70% là sa mạc, Israel chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Theo số liệu được công bố, hằng năm, kim ngạch nhập khẩu của Israel khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng này.
Theo phân tích của tờ Asian News International, việc Israel quan tâm đến Việt Nam còn bởi những cơ hội lớn ở Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là thành viên quan trọng trong ASEAN – nơi Israel chưa có quan hệ ngoại giao với một số thành viên khác như Malaysia, Indonesia.
Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại Israel - Việt Nam (IVC) Einat Halevy Levin, “Việt Nam là một điểm tiếp cận tốt nhất, để từ đó Israel có thể phát triển quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN khác. Tận dụng các ưu đãi thuế quan, hàng hóa Israel có thể cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác mà Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do”.
Bà Halevy Levin cho rằng, “môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các công ty của Israel hiểu rằng, muốn đặt chân vào Đông Nam Á thì Việt Nam là một xuất phát điểm tốt, tốt hơn các nước khác”.
Tuy nhiên, theo bà Halevy Levin, do sự khác biệt về văn hóa, trở ngại lớn nhất mà các doanh nhân Israel hay gặp phải là không bỏ thời gian tìm hiểu văn hóa kinh doanh ở Việt Nam. Trong khi thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam là về năng lực cạnh tranh. Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, khoa học kỹ thuật rất phát triển nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vifta-dai-lo-viet-nam-israel-da-mo-236992.html