VIMF 2024: Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận ứng dụng tự động hóa
Từ ngày 06 - 8/11 tới đây, Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam 2024 (VIMF) lần thứ V sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh nhằm giới thiệu các sản phẩm dùng cho ngành công nghiệp chủ chốt như máy móc, thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, tự động hóa, công nghệ in và thiết kế 3D…
Đây là triển lãm được tổ chức thường niên, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm dùng cho các ngành công nghiệp chủ chốt như máy móc, thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, tự động hóa, công nghệ in và thiết kế 3D, các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, IoT, sản xuất thông minh, AI, robot trong công nghiệp...
VIMF lần thứ V dự kiến thu hút khoảng 650 gian hàng, với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Đức…
Trong khuôn khổ triển lãm cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như hội thảo, diễn đàn bàn luận về thực trạng và xu hướng phát triển công nghiệp tại Việt Nam và quốc tế. Các chương trình gồm hội thảo ngành tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao...
VIMF tiên phong tập trung tổ chức ở các khu công nghiệp lớn tại Việt Nam, nhằm đảm bảo chất lượng và cập nhật nhanh nhất những công nghệ mới… Mỗi kỳ triển lãm đón tiếp trên 20.000 lượt khách tham quan, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường.
Theo Bộ Công Thương, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Made in VietNam” đã được nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Apple, Honda, Toyota,... tin dùng và trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.
Trong năm 2024, các tên tuổi lớn, dự án lớn về công nghệ đã đến Việt Nam. Có thể kể đến như Trina Solar (Trung Quốc): 454,4 triệu USD; Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hong Kong - Trung Quốc): 274,8 triệu USD; Dự án nhà máy thiết bị điện tử của BOE (Trung Quốc): 275 triệu USD; Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol) của Hyosung (Hàn Quốc): 730 triệu USD; Dự án Tập đoàn công nghệ Amkor (Mỹ): 1,07 tỉ USD…
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỉ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu. Đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.
Hiện, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Triển lãm năm nay mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận những máy móc, thiết bị công nghiệp hiện đại, các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, sản xuất thông minh và tự động hóa cao trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời, là đòn bẩy giúp tăng cường khả năng hợp tác đầu tư, mang những sản phẩm công nghệ tiên tiến đến với nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường khả năng hợp tác đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất mạnh mẽ như hiện nay.