VINAHUD và những 'lời hứa' bỏ quên

VINAHUD chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 với nhiều kế hoạch tham vọng nhưng tỉ lệ hoàn thành thì khó đoán định.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị VINAHUD (UpCOM: VHD) sẽ diễn ra vào ngày 24/6 tới đây tại Hà Nội.

Tờ trình đại hội năm 2024 nhấn mạnh, VINAHUD sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án bất động sản tiềm năng trên thị trường hoặc từ các thông tin giới thiệu của Cổ đông lớn để mua bán, hợp tác nhằm tăng thêm cơ hội đầu tư và khả năng sinh lời cho doanh nghiệp.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2024, VINAHUD sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để bổ sung nguồn tài chính, bán vốn hoặc cùng phát triển các dự án bất động sản.

Nhìn lại những “lời hứa” được lãnh đạo VINAHUD đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, rất khó có cơ sở để cổ đông tin vào những dự định tương lai của năm 2024.

Kế hoạch lãi thành lỗ, cổ đông không được chia cổ tức

Cụ thể, kế hoạch năm 2023, lãnh đạo VINAHUD cho biết sẽ phấn đấu đưa doanh nghiệp đạt doanh thu 680,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 23,61 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chi trả tỉ lệ 5%.

Kết quả lũy kế cả năm 2023, doanh thu của VINAHUD đạt 310 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng năm liền kề trước đó. Lợi nhuận lũy kế của công ty cũng giảm sâu so với cùng kỳ, chuyển từ lãi thành lỗ trong năm 2023 với khoản lỗ sau thuế đạt mức âm 163 tỷ đồng (năm 2022 lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng).

Giải trình về kết quả kém sáng trên, VINAHUD cho biết công ty mẹ đã phát sinh chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay dẫn đến lợi nhuận trong kỳ lỗ và giảm như kết quả đã trình bày ở trên.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng nợ phải trả của VINAHUD đã chạm ngưỡng 4.781 tỷ đồng, cao gấp 24 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 96% tổng tài sản. Chiếm phần lớn cơ cấu nợ là 1.266 tỷ đồng người mua trả tiền trước theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và 2.358 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính.

Trong năm này công ty đã phải thanh toán gần 152 tỷ đồng chi phí lãi vay, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận hơn 2 tỷ đồng, tương ứng sau một năm khoản chi phí này đã tăng cao gấp 76 lần.

Với kết quả kém sáng trên, tại tờ trình đại hội năm 2024, VINAHUD chia sẻ nhu cầu vốn của công ty là rất lớn, cộng thêm việc doanh nghiệp bị lỗ trong năm 2023, nên tại đại hội cổ đông lần này sẽ trình duyệt không chi trả cổ tức cho năm 2023.

Tại đại hội năm 2023, cổ đông Vinahud cũng thông qua phương án của HĐQT về việc thực hiện chuyển niêm yết cổ phiếu của công ty (đang giao dịch trên thị trường UpCoM – mã cổ phiếu VHD) niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE).

Tuy nhiên đến nay đã là giữa năm 2024, mã chứng khoán VHD của VINAHUD vẫn yên vị tại sàn UpCOM.

Những dự án dang dở chưa rõ ngày hoàn thiện

Đặc biệt, Chủ tịch VINAHUD Trương Quang Minh cho biết trong năm 2023, HĐQT sẽ chỉ đạo Ban Điều hành tiếp tục quản lý giám sát hoạt động đầu tư, triển khai thực hiện các Dự án đang có để nâng cao hiệu quả đầu tư, nắm giữ thêm cổ phần chi phối tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải (Chủ đầu tư dự án Grand Mercure Hội An).

Theo ông Minh, Mercure Hội An là một trong những dự án trọng điểm của công ty trong năm 2022-2023.

Về tình hình phát triển của dự án Grand Mercure Hội An, thay mặt Ban Chủ tọa đại hội, ông Ngô Đức Tâm – Thành viên HĐQT VINAHUD khi ấy cho biết, dự án do ngân hàng TPBank bảo trợ; Accor là đơn vị quản lý vận hành; Đơn vị phân phối bất động sản Cen Group và NewstarGroup; Apac là đơn vị phát triển, thành viên tư vấn quản lý dự án và điều vấn giám sát.

Thời điểm diễn ra đại hội cổ đông 2023, pháp lý của dự án cơ bản đã hoàn thiện đối với hạng mục về hạ tầng kỹ thuật và villa. Còn đối với hạng mục của khu cao tầng, do những yếu tố khách quan, có thể xem như bất khả kháng, công ty đang cố gắng nỗ lực cùng địa phương để hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, có điều kiện cấp phép xây dựng cho khu cao tầng trong tháng 6/2023.

“Cho đến năm 2024, công ty sẽ cố gắng hoàn thiện và bàn giao toàn bộ 118 căn villa để sẵn sàng đưa vào vận hành”, ông Tâm khẳng định.

Dự án Grand Mercure Hội An.

Dự án Grand Mercure Hội An.

Tuy nhiên đầu tháng 5/2024, dự án tiếp tục phải xin điều chỉnh và được UBND tỉnh Quảng Nam thông qua kéo dài thời gian hoàn thành, dự kiến đến tháng 4/2026 mới đưa vào hoạt động.

Dự án Grand Mercure Hội An từng được Tập đoàn R&H mang đi thế chấp để vay 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, lô trái phiếu này vừa đáo hạn vào cuối tháng 4/2024 vừa qua.

Riêng với dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong, năm 2024 VINAHUD dự định tìm kiếm thêm các nhà đầu tư chiến lược mới, có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để cùng tham gia. Đến thời điểm hiện tại, dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong (được phê duyệt từ năm 2005) đã chậm tiến độ 19 năm.

Đối với dự án Khu đô thị Sinh thái và Vui chơi giải trí Viên Nam tại Hòa Bình, tờ trình 2024 cho biết công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành và chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Dự án dự kiến sẽ đem về thu nhập cho VINAHUD giai đoạn 2025-2027.

Theo tờ trình của doanh nghiệp, VINAHUD đề ra kế hoạch doanh thu năm 2024 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 603 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 18,7 tỷ đồng.

Những kế hoạch 2023 còn dở dang, nhiều cổ đông sẽ chờ đợi câu trả lời từ lãnh đạo doanh nghiệp trong đại hội sắp tới.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vinahud-va-nhung-loi-hua-bo-quen-a669510.html