VinFast - một hình mẫu chuỗi cung ứng bền vững ở Việt Nam
Với các chiến lược đa chiều để tối ưu hiệu quả chuỗi cung ứng và đảm bảo tính bền vững, đến nay VinFast đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%, có khả năng tự sản xuất 47% nguyên vật liệu.
Đây là chia sẻ của bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng Giám đốc toàn cầu của VinFast chia sẻ tại tọa đàm “Tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bền vững” trong khuôn khổ COP28 vừa diễn ra tại Doha (UAE).
Chủ động tìm nguồn cung ứng trong nước là chìa khóa thành công
- Xin bà hãy chia sẻ về chiến lược mà VinFast đã thực hiện để tối ưu hiệu quả chuỗi cung ứng và đảm bảo tính bền vững?
Tại VinFast, chúng tôi đã có những cải tiến đáng kể trong quản lý chuỗi cung ứng để đối mặt với những thách thức hiện nay. Một số nguyên tắc chính mà chúng tôi hướng đến bao gồm nội địa hóa, near-shoring (hình thức thuê ngoài các nhà cung cấp có vị trí địa lý ở gần công ty), đa dạng hóa và hiện đại hóa.
Cụ thể, chúng tôi đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%, có khả năng tự sản xuất 47% nguyên vật liệu. Đặc biệt, chúng tôi đã thiết lập nhà máy phụ trợ ngay trong khu phức hợp sản xuất của mình để tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Ngoài ra, chúng tôi xác định rằng mối quan hệ hợp tác chiến lược và việc mở rộng mạng lưới đối tác cung ứng là chìa khóa thành công. Đối tác cung ứng chiến lược giúp chúng tôi đảm bảo nguồn cung linh kiện và vật liệu ngay cả khi có sự gián đoạn. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng vào hiện đại hóa bằng cách sử dụng công nghệ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu từ các đơn vị công nghệ trong hệ sinh thái của chúng tôi.
Tại Vingroup và VinFast, điều này được thực hiện nhờ hệ sinh thái các công ty công nghệ của chúng tôi như VinAI, VinBigData, VinBrain…, những đơn vị liên tục làm việc để phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới để hỗ trợ VinFast và các công ty thành viên khác trong hệ sinh thái của Vingroup.
- Trong tình hình thách thức toàn cầu hiện nay, theo bà, đâu là yếu tố giúp cho chuỗi cung ứng trở nên bền vững và linh hoạt hơn?
Các sự kiện toàn cầu như đại dịch Covid-19 hay các cuộc xung đột chính trị trên giới hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải chủ động tạo ra chuỗi cung ứng bền vững cho chính mình. Các doanh nghiệp nên tập trung vào việc nắm bắt nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tận dụng các công nghệ tiên tiến như AI và blockchain để tăng cường minh bạch và truy xuất nguồn gốc cung ứng. Điều này sẽ giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, đặc biệt là giảm lượng khí thải carbon.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tối ưu hóa các khâu vận chuyển và hậu cần thông qua việc sử dụng phần mềm để lựa chọn tuyến đường và các phương thức vận chuyển thay thế như đường sắt, đường biển hoặc xe điện để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải. Điều này có thể góp phần vào một chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả hơn.
- Vậy VinFast đã áp dụng các nguyên tắc này như thế nào?
Chúng tôi đã áp dụng nguyên tắc chuyển từ sản xuất tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, giúp giảm chất thải và tiêu thụ tài nguyên, đồng thời ưu tiên tìm nguồn cung ứng nguyên liệu và sản phẩm từ các nhà cung cấp thể hiện trách nhiệm môi trường.
Ví dụ, pin xe điện của chúng tôi có nguồn gốc rõ ràng từ các công ty pin hàng đầu, với tỷ lệ có thể tái chế lên tới 95%. Bên cạnh đó, VinFast còn áp dụng mô hình cho thuê pin để đảm bảo quản lý pin phù hợp. Khi pin đạt khả năng hoạt động 70%, chúng tôi thay pin và sử dụng pin hiện có làm bộ lưu trữ năng lượng.
Ngoài ra, VinFast đã thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu với LiCycle (một công ty có uy tín của Canada) để tái chế pin. Chúng tôi hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tái chế và tuổi thọ của pin.
Mọi phong trào đều bắt đầu bằng sự thay đổi trong tư duy
- Từ trước đến nay, Vingroup và VinFast luôn được biết đến là những doanh nghiệp chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Vậy VinFast đã làm cách nào để xây dựng văn hóa bền vững ngay trong nội bộ?
Tại Vingroup và VinFast, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục và đào tạo nhân viên về các thực hành bền vững và khuyến khích họ áp dụng các hành vi thân thiện với môi trường ngay tại nơi làm việc. Đặc biệt, tại VinFast, chúng tôi đã triển khai Khung phát triển bền vững (ESG) phù hợp với Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) để đào tạo cho nhân sự các cấp, đồng thời tuân thủ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDGs), có chiến lược dài hạn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập KPI ở cấp phòng ban và công ty để theo dõi và đo lường tiến độ hướng tới các mục tiêu bền vững. Điều này giúp chúng tôi xác định các lĩnh vực cần cải thiện và thúc đẩy cải tiến liên tục.
- Bà có thể chia sẻ thêm về kế hoạch của VinFast nhằm tiếp tục duy trì mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai?
VinFast đặt tầm nhìn về một tương lai bền vững cho toàn cầu với sự đóng góp của phương tiện di chuyển xanh, sạch và an toàn. Tại hội nghị COP26, VinFast đã cam kết dừng bán xe động cơ đốt trong trước năm 2035 và hiện tại chúng tôi tự hào vì đã đạt được cột mốc quan trọng này sớm hơn rất nhiều so với dự định.
Cũng tại COP26, VinFast đã tham gia Tuyên bố Phát triển phương tiện giao thông không phát thải (ZEV), cam kết đạt mức net-zero vào năm 2040 (sớm hơn 10 năm so với mục tiêu COP26 về mức không khí thải vào năm 2050). Cam kết của chúng tôi là thông qua Kế hoạch Thích ứng với Chuyển đổi Khí hậu bằng cách giảm lượng phát thải khí nhà kính ở phạm vi 1 và phạm vi 2 xuống 7%/năm. Chúng tôi đặt mục tiêu giảm lượng phát thải ở phạm vi 3 vào năm 2024 và đã bắt đầu lắp đặt các tấm pin mặt trời với khả năng mở rộng để tiếp cận năng lượng tái tạo tại khu phức hợp sản xuất của chúng tôi ở Hải Phòng.
Thế Định (thực hiện)