Vingroup 'nhượng' mảng bán lẻ cho 'đại gia nước mắm'Vingroup 'nhượng' mảng bán lẻ cho 'đại gia nước mắm'

Hai công ty con của Vingroup là Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (bán lẻ) và Công ty VinEco (nông nghiệp) sẽ sớm sáp nhập vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan.

Ngày 3-12-2019, Tập đoàn Vingroup công bố thông cáo báo chí, cho biết tập đoàn này và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận nguyên tắc, hiện đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức về thương vụ sáp nhập giữa các công ty con với nhau.

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) của Vingroup sẽ sáp nhập vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng). Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. MasanGroup sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, còn Vingroup là cổ đông.

Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. “Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan”, văn bản của Vingroup cho biết.

 Masan sẽ đảm nhận điều hành chuỗi bán lẻ sau sáp nhập. Ảnh: Vingroup

Masan sẽ đảm nhận điều hành chuỗi bán lẻ sau sáp nhập. Ảnh: Vingroup

Việc "nhượng" mảng bán lẻ được xem là động thái bất ngờ của Vingroup, sau khi GIC (quỹ đầu tư thuộc chính phủ Singapore) rót 500 triệu đô vào Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ (VCM), là đơn vị mới thành lập hồi tháng 8-2019 để quản lý hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Bình luận về thương vụ, ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn quản trị, cho rằng đây là "động thái M&A nhằm tối ưu hóa danh mục kinh doanh giữa hai bên".

Vingroup cho biết lý do hợp tác với Masan một phần là để tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp – công nghệ. Giao dịch này sẽ giúp tập đoàn có thể “giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp”.

 Nguồn: BCTN Vingroup 2018

Nguồn: BCTN Vingroup 2018

Hai tỉ phú cũng đặt mục tiêu lớn đối với sự kết hợp mới của hai bên. “Thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực”, theo thông cáo của Vingroup.

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan nhận định: “Sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”.

Thông cáo cho biết công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Dũng Nguyễn - Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/297660/vingroup-nhuong-mang-ban-le-cho-dai-gia-nuoc-mam.html