Vĩnh biệt NSND Đào Trọng Khánh - Nhà làm phim tài liệu hàng đầu Việt Nam
NSND Đào Trọng Khánh, một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh tài liệu Việt Nam đã từ trần vào ngày 20-9 tại quê nhà Hải Phòng sau một thời gian lâm bệnh trọng, hưởng thọ 83 tuổi.
Trong làng phim tài liệu Việt Nam, Đào Trọng Khánh là người làm nhiều phim về lãnh tụ, các nhân vật lịch sử trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cố vấn Lê Đức Thọ...
Gần 20 lần được xướng danh trong các giải thưởng liên hoan phim trong nước và quốc tế, NSND Đào Trọng Khánh xứng đáng là “lão làng” trong ngành điện ảnh, đặc biệt là mảng phim tài liệu. Chỉ cần nhìn vào danh mục những phim tài liệu ông đã làm, có thể thấy được tầm vóc con người nghệ sĩ trong ông. Những tác phẩm như: “1/50 giây cuộc đời”, “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Truyền kỳ sự thật”, “Nửa thế kỷ một ngày”, “Một thế kỷ, một đời người”, “Đồng chí Phạm Văn Đồng”, “Lửa thiêng”... đã trở thành những chuẩn mực về loại hình nghệ thuật đặc thù, vốn rất khó tính này.
Sinh thời, NSND Đào Trọng Khánh từng chia sẻ rằng, làm phim tài liệu về các lãnh tụ, nhân vật lịch sử, điều quan trọng là nhà làm phim phải thực sự có tình cảm và sự kính trọng với nhân vật. Đồng thời phải có đủ tư liệu để đánh giá đúng công lao của họ. Cuối cùng là phải tôn trọng sự thật và nói đúng sự thật.
Năm 2014, ông hoàn thành phim tài liệu dài 60 phút có tựa đề “Giọt nước giữa đại dương”. Bộ phim được chắt lọc từ 700 phút phim tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông đã quay trong nhiều năm, bao gồm những câu chuyện về chiến tranh và chuyện cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do chính Đại tướng kể lại một cách chi tiết. Nhờ cách làm phim tài liệu tôn trọng sự thật tối đa, bộ phim đã tạo ra sự khác với các bộ phim tài liệu trước đó về Đại tướng. Tại Giải thưởng Cánh diều 2014, bộ phim "Giọt nước giữa đại dương" đã được trao giải Cánh diều Vàng, nhà làm phim Đào Trọng Khánh được vinh danh với giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIX, bộ phim đã mang về cho NSND Đào Trọng Khánh giải Kịch bản xuất sắc.
Trước khi đến với điện ảnh, Đào Trọng Khánh là một nhà thơ. Thơ của Đào Trọng Khánh khiến một nhà thơ tài năng như Lưu Quang Vũ cũng phải thốt lên khen hay. Đáng tiếc ông không còn giữ được mấy bài, chẳng đủ gom thành tập, nhưng gần đây được in rải rác trong hai tập được gọi là truyện và ký, mang tên "Đất và người". Ông còn viết tùy bút từ những ngày đầu khi làm phóng viên chiến trường. Ông tự nhận mình là người ham chơi, thích đối ẩm, là người may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc và làm bạn với những văn nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ như Lưu Quang Vũ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, họa sĩ Lê Đại Chúc...
Sau này, khi bén duyên với điện ảnh, sự ảnh hưởng của thơ đã giúp cho sự nghiệp của ông thăng hoa ở vai trò của một nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu xuất sắc hay đơn giản chỉ tham gia viết lời bình, đều mang đậm chất trữ tình. Đào Trọng Khánh quan niệm, mỗi bộ phim tài liệu là một bài thơ bằng hình ảnh và ông trung thành với sứ mệnh sáng tác đó khi cho ra đời những bộ phim mà ngay cả cái tên cũng ý nhị, gợi hình như “1/50 giây cuộc đời”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Người yêu dấu ở Lũy Hoa”, “Hòn Thơm của bé”...
Cả cuộc đời đắm đuối với điện ảnh tài liệu, Đào Trọng Khánh đã có một sự nghiệp rực rỡ. Tuy nhiên, cuộc đời của ông lại có nhiều lận đận. Dẫu vậy, ông là một người giàu tình cảm, ấm áp. Chả thế, mỗi lần xuất hiện, ông đều đem đến cho bạn bè, đồng nghiệp bầu khí vui vẻ, thân tình. Ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, ông được các đàn em thân thiết yêu mến gọi bằng cái tên thân mật “Bầu” Khánh (cùng với NSND, đạo diễn Lê Mạnh Thích là “Bầu” Thích, còn đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy được gọi là "Đội trưởng").
Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông học điện ảnh rồi đi bộ đội.
Năm 1965 ông bắt đầu làm phim tài liệu, thường được giao làm tư liệu phim về lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đất nước, từ Bác Hồ, những người bạn của Bác, đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Hầu hết các phim ông làm ra đều được giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (ba giải Kịch bản, bốn giải Đạo diễn xuất sắc nhất). Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1985), ông nhận hai giải Bông sen vàng cho hai phim tài liệu: "1/50 giây cuộc đời "và "Việt Nam - Hồ Chí Minh"…
Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm phim tài liệu gồm: "1/50 giây cuộc đời; Việt Nam - Hồ Chí Minh"; "Vũ nữ Trà Kiệu"; "Truyền kỳ sự thật"; "Hình bóng tổ tiên"; "Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người".
Sau khi về hưu (2005), ông về sống cùng người vợ từng là bạn thanh mai trúc mã tại quê nhà ở Hải Phòng.
Cuối đời, ông đã xuất bản hai tập truyện và ký, in kèm một số bài thơ lẻ mang tên "Đất và người", do họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn, người em thân thiết biên soạn.