Vĩnh biệt Tuấn 'Gà' người nghệ sĩ kiêu bạc: Chú bồ câu đã đi rồi!

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn (còn gọi là Tuấn 'Gà') qua đời ở tuổi 45, sau một thời gian điều trị tiểu đường.

Sự ra đi của người nhạc sĩ khiến nhiều người tiếc thương. Đối với ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, anh tin dù ở thế giới nào, không gian nào, người đàn anh mà anh yêu mến “vẫn sẽ cất vang tiếng gáy, dù cuộc đời không phải lúc nào cũng là sớm bình minh”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn. Ảnh: Nguyễn Lê Tâm

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn. Ảnh: Nguyễn Lê Tâm

Bài hát của Tuấn "Gà" có giai điệu khá dị

Còn với nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm – người bạn trong nhóm M6 của Tuấn “Gà”, cả hai đã chơi đàn hát cùng nhau 2 thập kỷ. Lê Tâm cho rằng, tất cả những ai từng gặp Tuấn “Gà” đều nhận thấy anh có một thứ ánh sáng khác lạ. Đó là một tài năng âm nhạc thật sự và khó lý giải.

Nhạc sĩ Lê Tâm kể, chừng 20 năm trước, tham gia nhóm M6, Nguyễn Tuấn bảo thích hình ảnh chú dế trong bài hát “Tiếng mùa xuân” nên gọi anh là Tâm “Dế”. Nhạc sĩ Ngô Tự Lập được gọi là Lập “Chim” vì ấn tượng với bài “Chim ngói bay về”. Còn, biệt danh Tuấn “Gà” gắn liền với bài hát “Tiếng gáy thời gian” viết về con gà.

“Cứ vài tháng, Tuấn lại a lô từ Hải Phòng, khoe đã viết và thu âm xong một CD mới. Tuấn cứ một mình vừa đàn vừa hát và thu âm nhờ một người bạn. Mỗi bài lại có những cách triển khai khác hẳn, thậm chí chẳng liên quan gì nhau. Tuấn “Gà” là một khối năng lượng luôn bùng nổ bất kỳ thời điểm nào”, nhạc sĩ Lê Tâm chia sẻ.

Cũng vì năng lượng đó, mỗi lần muốn sân khấu bừng lên, M6 lại đẩy Tuấn “Gà” lên “gây sự” một bài. Thế là khán giả vỗ tay, hò hét.

Trong mắt tác giả “Tiếng mùa xuân”, bài hát của Tuấn “Gà” có giai điệu khá dị. “Nghĩa là tưởng đi thẳng thì lại rẽ ngang, tưởng lên thì lại xuống dưới, tưởng kết êm trôi thì lại kết cụt lủn. Giai điệu như một trò đùa giỡn của Tuấn. Những hợp âm màu mà Tuấn sử dụng rất hiệu quả nhưng Tuấn cũng không lý giải được vì sao dùng hợp âm này mà không dùng hợp âm kia.

Cách lập tứ và triển khai giai điệu của Tuấn không có một định kiến, đề cương, phác thảo với ý đồ tổ chức rõ rệt nào đó mà luôn lang thang tiện đâu tạt đó, thích gì dùng nấy. Người nghe được dẫn dắt vào mê cung với rất nhiều liên tưởng và hình ảnh đan cài”, anh mô tả.

Theo nhạc sĩ Lê Tâm, chất kiêu bạc là cái nói rõ nhất con người và tác phẩm của Nguyễn Tuấn. Ảnh: Nguyễn Thắng

Theo nhạc sĩ Lê Tâm, chất kiêu bạc là cái nói rõ nhất con người và tác phẩm của Nguyễn Tuấn. Ảnh: Nguyễn Thắng

Thế nhưng cũng qua đó, người nghe hình dung được câu chuyện của những hình ảnh đó và thấy được tiếng khóc tiếng cười của tác phẩm. Giai điệu dị nên nếu ai khó nghe quá có thể bỏ về, nhưng đã nghe là “nghiện”.

Không ngần ngại với các chất liệu "quen mà lạ"

Rồi sau mỗi chương trình, fan của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn lại đông lên và là fan trung thành. Theo lời Lê Tâm, Tuấn “Gà” từ nhỏ đã lưu lạc cùng gia đình đi vượt biên. Tuổi thiếu niên và thanh niên cũng ngang bướng và không ít lầm lỗi.

Vì vậy, chất liệu của đời anh nhiều đắng cay, khóc cười. Câu chuyện trong bài hát của anh không ngần ngại các chất liệu hình ảnh mà những ca khúc điệu đà không bao giờ dùng.

“Hình ảnh “lõi” trong mỗi bài của Tuấn có thể dễ thương như bồ câu và hạt thóc, là phố xanh nhưng phần lớn là con cú lợn trong chiều ngoại ô, là chiếc quan tài, chiếc xe đòn, là cô gái nhiễm HIV, là con gà, cái đồng hồ cổ, vợ chồng già lẩm cẩm, là xóm liều, hay cô gái mất cái điện thoại khóc dở mếu dở…

Mỗi bài có thể khác nhau nhưng cái lõi chung là giàu có hình ảnh, thẩm mỹ tinh tế và chất kiêu bạc”, Lê Tâm nhận định.

Anh cũng cho rằng, có lẽ chất kiêu bạc là cái nói rõ nhất con người và tác phẩm của người đồng nghiệp. Thế nhưng, đó chỉ là những ngôn ngữ trong tác phẩm. Còn ngoài đời, Tuấn “Gà” lại hồn nhiên, có gì đó chất phác, vui tính.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn sinh năm 1977 tại Hải Phòng. Từ nhỏ, anh đã có năng khiếu về âm nhạc. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi với ca khúc “Cảm xúc giao mùa”.

Anh tham gia chương trình Bài hát Việt 2006 với ca khúc “Em là ai”. Cũng tại chương trình này, vào năm 2007, anh nhận giải Phối khí hiệu quả của tháng với ca khúc “Tiếng gáy thời gian”. Ngoài ra, nhiều ca khúc của anh được giới chuyên môn đánh giá cao như “Năm hồi chuông ký ức”, “Áo cũ dây phơi”, “Bồ câu hạt thóc”...

Anh hoạt động trong nhóm M6 gồm nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, Trần Đức Minh, Giáng Son, nghệ sĩ Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến.

Nguyễn Tuấn trải qua cuộc sống gập ghềnh. Anh từng từ bỏ âm nhạc để kinh doanh và làm thợ xăm. Nhưng sau đó, anh đã quyết định trở lại sống với đam mê âm nhạc.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vinh-biet-tuan-ga-nguoi-nghe-si-kieu-bac-chu-bo-cau-da-di-tim-hat-thoc-d543496.html