Vinh danh các tác giả đoạt giải Cuộc thi viết 'Chân dung cuộc sống'

Sáng 25/8, tại Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết 'Chân dung cuộc sống'.

Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết "Chân dung Cuộc sống" là một dạng của chân dung văn học. Khác với hồi tưởng, ghi chép về một con người cụ thể, với tư cách là một thể loại văn học, chân dung văn học miêu tả con người cụ thể với một quan niệm xác định về nhân cách. Phương pháp viết của chân dung văn học là phương pháp của thể ký, nó không thiên về cốt truyện.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại Lễ trao giải.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại Lễ trao giải.

Nhà văn phát huy sở trường quan sát, lựa chọn chi tiết, cử chỉ, ngôn ngữ, kể cả tác phẩm, tư thế, hồi tưởng để dựng lại bộ mặt tinh thần của một con người, thường là nhà văn, nghệ sĩ hoặc các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Đôi khi thông qua số phận, sự việc hoặc tài năng cụ thể của một nhân vật nào đó, người đọc vẫn có thể hình dung được một phần nào cuộc sống và sự vận động lịch sử của một giai đoạn, một quốc gia hay một thời đại.

 Các tác giả nhận Giải Tư của Cuộc thi.

Các tác giả nhận Giải Tư của Cuộc thi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thẳng thắn nhìn nhận, có điều đáng lưu ý là, chủ đề của cuộc thi viết Chân dung Cuộc sống là cuộc sống rộng ở mọi mặt, tuy vậy, số bài viết về chân dung văn nghệ sĩ chiếm già nửa, và non nửa còn lại thì số lượng bài viết về các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng chiếm phần nhiều. Thực sự quá ít bài viết về những người lao động trực tiếp, những người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi xa xôi hẻo lánh... Đó cũng là một phần hạn chế của cuộc thi này.

 Ban Tổ chức trao Giải Ba cho các tác giả đoạt giải.

Ban Tổ chức trao Giải Ba cho các tác giả đoạt giải.

"Dẫu vậy, qua cuộc thi, chúng ta cũng đã có một bức tranh khá rộng lớn, phong phú, sinh động về đời sống xã hội, cả quá khứ và hiện tại. Thêm nữa, sự đa dạng của bạn văn, bạn viết tham dự cuộc thi này cho thấy sự quan tâm sâu sát, không thờ ơ với cuộc sống của lực lượng cầm bút trong cả nước. Đó cũng chính là sự khẳng định vẻ đẹp của văn chương trong cuộc sống", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao Giải Nhì cho các tác giả đoạt giải.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao Giải Nhì cho các tác giả đoạt giải.

Đánh giá cao những tác phẩm trong cuộc thi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong quá trình phục hồi kinh tế trước và sau đại dịch, trong chặng đường dài phát triển đời sống xã hội, ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề, các địa phương trong cả nước, đã xuất hiện những con người cao đẹp, những câu chuyện cảm động, tươi sáng hấp dẫn. Các tác giả đã khai thác, khám phá, khắc họa chân dung, ghi lại những thành tựu và vẻ đẹp ấy.

"Mục đích của cuộc thi này là một bước hiện thực hóa, để nhà văn bước vào cuộc sống. Bởi nhà văn rời bỏ cuộc sống là rời bỏ bản chất của văn chương, không có hiện thực đời sống thì văn học sẽ trở nên vô vọng và rất xa vời", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hữu Thỉnh trao Giải Nhất cho tác giả Y Nguyên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hữu Thỉnh trao Giải Nhất cho tác giả Y Nguyên.

Cuộc thi kéo dài 2 năm từ 1/7/2021 đến 30/6/2023 với 285 tác phẩm của 173 tác giả trong và ngoài nước tham dự. Trong đó có những nhà văn rất quen thuộc với bạn đọc, lại cũng có những tác giả mới cầm bút viết tác phẩm lần đầu. Có người đã ở tuổi 80, 90, có người còn đang là sinh viên, học sinh. Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá, nhiều tác giả không phải cây bút chuyên nghiệp nhưng tác phẩm lại sinh động, vững chãi, chứng tỏ là những cây bút có nghề và họ đang đứng trên một mặt bằng khá cao. Nhiều nhà văn nổi tiếng tuy không tham gia cuộc thi, nhưng cũng gửi tác phẩm về hưởng hứng cuộc thi như Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phê, Vương Trọng, Dương Kỳ Anh...

Danh sách các tác giả và tác phẩm đạt giải

01 Giải Nhất:

- Tác giả Y Nguyên với các tác phẩm: Ngô Phan Lưu “ẩn số văn chương” đất Phú; “Phù thủy” của bục giảng; Nguyễn Văn Thọ, nhà văn và người lính.

02 Giải Nhì:

- Tác giả Võ Bá Cường với các tác phẩm: Cánh chim sơn tiêu; Sọ đầu mới vỡ lẽ đời; Thanh Tùng với “Thời hoa đỏ”.

- Tác giả Hoàng Quảng Yên với các tác phẩm: Con đường sáng mang tên Tẩn Dấu Quẩy; Nhà thơ Hữu Thỉnh “đời mau quả, vui buồn chưa kịp cũ; Y Phương “Đục đá xây cao quê hương.

03 Giải Ba:

- Tác giả Lưu Khánh Thơ với các tác phẩm: Hoàng Trung Thông - người đi vỡ đất mời trăng; Nhớ anh Lâm râu; Lưu Quang Vũ và huyền thoại Tạ Đình Đề.

- Tác giả Trâm Oanh với các tác phẩm: Người nông dân 4.0 và báu vật của mẹ thiên nhiên; Người lính già và chuỗi sản xuất, tiêu thụ cacao không thương lái.

- Tác giả Đặng Thành Văn với các tác phẩm: Sống là để sáng tạo; Tôi tự chèo lấy tôi đi.

04 Giải Tư:

- Tác giả Thải Sinh (1954-2022), với các tác phẩm: Pờ Sảo Mìn, nhà thơ của núi; Nhà thơ dân tộc Giáy và những khúc trầm luân.

- Tác giả Phạm Thị Toán với tác phẩm: Chị đã sống như thế; Má Lê Thị Huệ - những bông điên điển.

- Tác giả Hoàng Ngọc Diệp với tác phẩm: Có một ông lão... tuổi thanh xuân.

- Tác giả Nhọc Hùng với tác phẩm: Nhà sư giữ núi.

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vinh-danh-cac-tac-gia-doat-giai-cuoc-thi-viet-chan-dung-cuoc-song-post261922.html