Vinh danh đặc sản Đồng Nai
Đồng Nai vừa được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh 2 món đặc sản nổi tiếng: xôi chiên phồng và gỏi bưởi là những món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam. Trong đó, món xôi chiên phồng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận Kỷ lục ẩm thực - Đặc sản châu Á vào tháng 4-2023.
Để đạt được những danh hiệu trên, các món ăn phải bảo đảm được các tiêu chí: mang đậm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, phù hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe và đặc biệt là yếu tố nguồn gốc xuất xứ của món ăn phải xuất phát từ địa phương.
* Món ngon châu Á
Món xôi chiên phồng ra đời khoảng 60 năm về trước, từ sự vô tình trong lúc làm món xôi của đầu bếp Đinh Thị Ha (còn gọi là bà Út Ha) tại Tân Hiệp quán (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), sau này trực thuộc chuỗi nhà hàng, khách sạn của Công ty CP Du lịch Đồng Nai và bà Út Ha đã làm việc tại đây cho đến khi về hưu.
Trong số các món ăn phải qua chế biến được công nhận đặc sản châu Á, có lẽ món xôi chiên phồng của Đồng Nai có hình thức đơn giản nhất với hình tròn và có màu vàng đặc trưng của các loại bánh sau khi chiên. Theo các đầu bếp từng thực hiện món xôi chiên phồng, nguyên liệu chính làm nên món ăn nổi tiếng này là nếp, đậu xanh và đường. Tuy nhiên, để tạo ra được món xôi chiên phồng vỏ mỏng, vàng đều phải trải qua công đoạn khá công phu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, bếp trưởng tại Khách sạn Đồng Nai, lớp kế nhiệm thứ 3 món xôi chiên phồng chia sẻ, nếp sau khi đồ chín được nhồi cho thật nhuyễn chung với đường và đậu xanh. Chảo dùng để làm xôi chiên phồng cũng chỉ dành riêng cho món này. Theo ông Bình, món xôi chiên ngon là sau khi hoàn tất, chiếc bánh phải phồng tròn và vàng đều, khi ăn không được cứng mà phải dẻo, có độ dai vừa phải. Bí quyết quan trọng nhất tạo nên món xôi chiên phồng chính là công đoạn nhồi nếp và kỹ năng chiên của người đầu bếp phải biết cách ép và xoay sao cho miếng xôi vừa nở vừa tròn và chín vàng đều.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai TRẦN ĐĂNG NINH cho biết, hiệp hội đang cùng với Hội Đầu bếp Đồng Nai xây dựng kế hoạch sưu tầm, bảo tồn và quảng bá những món ăn dân dã, nổi tiếng của Đồng Nai, góp phần đưa hình ảnh du lịch, ẩm thực của Đồng Nai đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hơn 20 năm làm đầu bếp chuyên nghiệp tại Khách sạn Đồng Nai, nơi ra đời của món xôi chiên phồng, mỗi khi bắt tay làm món đặc sản quê hương này, đối với bếp trưởng Nguyễn Thanh Bình luôn là niềm tự hào. Nhất là khi được cùng các đầu bếp khác biểu diễn món xôi phồng trước công chúng. Ông Bình chia sẻ: "Món xôi phồng không chỉ đơn thuần là món ăn mà nó còn có giá trị nghệ thuật, đòi hỏi người đầu bếp phải tập luyện và có tay nghề cao. Mỗi khi chế biến hoặc biểu diễn món xôi phồng, tôi luôn phải tự đúc kết những kinh nghiệm mới, cách khắc phục nhược điểm để sản phẩm mình tạo ra được hoàn hảo nhất khi tới tay thực khách".
* Gỏi bưởi, món ngon của người Việt
Theo số liệu thống kê năm 2022, Đồng Nai có trên 10,3 ngàn ha diện tích trồng bưởi, sản lượng bưởi của Đồng Nai đạt khoảng gần 74 ngàn tấn/năm, tập trung ở một số địa phương như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú...
Tuy nhiên, ngon nhất, nổi tiếng nhất và đặc trưng nhất phải kể đến vùng bưởi Tân Triều. Vùng trồng bưởi Tân Triều với giống bưởi đường lá cam được trồng tại cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) và một số xã lân cận như: Bình Hòa, Bình Lợi, Thạnh Phú. Bưởi Tân Triều có vị ngọt thanh, chua nhẹ và mọng nước. Với đặc thù về thổ nhưỡng cùng với sự bồi đắp phù sa quanh năm từ dòng sông Đồng Nai, vùng đất Tân Triều đã tạo nên thương hiệu riêng cho trái bưởi mà không nơi nào có được. Không phụ sự ưu ái từ thiên nhiên, người dân Tân Triều như mặc định trong tâm rằng, ở nơi đây chỉ dành riêng cho cây bưởi. Với niềm tâm tư này, vùng bưởi Tân Triều được bảo hộ cấp chỉ dẫn địa lý cho trái bưởi đường lá cam vào năm 2012.
Ông Huỳnh Đức Huệ (ông Năm Huệ, xã Tân Triều), chủ quán ăn gia đình Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ, là nông dân có niềm đam mê và tâm huyết muốn giữ danh làng bưởi Tân Triều. Từ xa xưa, ngoài bưởi đường lá cam, Tân Triều còn nhiều giống bưởi khác, như: bưởi ổi, bưởi thanh, bưởi nốm, bưởi gà… Thế nhưng, khi cây bưởi đường lá cam có thế mạnh về kinh tế, nhiều hộ dân đã thay thế toàn bộ bưởi trong vườn bằng giống bưởi đường lá cam. Vì muốn lưu lại các giống bưởi truyền thống xưa, ông Năm Huệ đã lặng lẽ sưu tầm, xin lại từ người dân những giống bưởi cũ để mang về vườn nhà lưu giữ, chăm sóc. Đến nay, vườn bưởi sưu tầm của ông Năm Huệ có trên dưới 10 giống bưởi cổ, phục vụ khách du lịch tham quan vườn mỗi khi đến quán ăn làng bưởi Năm Huệ.
Ngày nay, khách du lịch khi đến làng bưởi Tân Triều, ngoài được tham quan và thưởng thức bưởi được hái tại vườn, du khách còn có thể khám phá thêm nhiều món ăn độc đáo được chế biến từ bưởi như: nem bưởi, gỏi bưởi, gà hấp trong trái bưởi, rượu bưởi, chè bưởi… do chính người dân làng bưởi chế biến từ bưởi trồng trong vườn. Theo năm tháng, ẩm thực từ bưởi đã trở thành một nét văn hóa riêng của người dân Tân Triều. Trong bữa cơm gia đình hay trong những bữa tiệc trọng đại, món ăn từ bưởi không bao giờ thiếu.
Ông Phan Tấn Tài, nông dân trồng bưởi ở Tân Triều cho biết, hầu hết các vườn bưởi của bà con nông dân đều được chăm sóc rất kỹ. Dù chưa khai thác du lịch nhưng những vườn bưởi luôn sạch sẽ. Theo ông Tài, bà con nông dân đang hướng đến sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ để tăng giá trị cho cây bưởi, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình vì phần lớn, các hộ gia đình đều có nhà ngay cạnh vườn bưởi. Ông Tài chia sẻ: "Nhiều hộ dân đã bắt đầu đón khách du lịch tham quan vườn bưởi, đây cũng là hướng góp phần tăng giá trị kinh tế cho nhà nông. Chúng tôi tự tin khi đưa khách tham quan vườn, bởi ngày nay nông dân dã áp dụng tốt khoa học công nghệ vào sản xuất, vườn bưởi sạch sẽ, môi trường, không gian rất hợp với những người bận rộn, muốn thư giãn, thưởng thức món ngon sau những ngày làm việc căng thẳng".