Vĩnh Linh chú trọng hoạt động khoa học và công nghệ
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về 'Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế', đến nay, hoạt động KH&CN tại huyện Vĩnh Linh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về vai trò của KH&CN trong phát triển KT- XH được nâng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội.
Xác định nhiệm vụ phát triển KH&CN là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển toàn diện, vì vậy ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung cơ bản của nghị quyết tới cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong toàn huyện. Hằng năm, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN được các cấp ủy, chính quyền quan tâm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nổi bật trên lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để từng bước đưa KH&CN vào sản xuất như thử nghiệm các bộ giống mới, thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong quá trình canh tác hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Địa phương đã xác định được bộ giống lúa chủ lực gồm HN6, Thiên Ưu 8, TBR 97, Hương Bình… để đưa vào sản xuất diện rộng; nâng tỉ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên 85% và tỉ lệ giống lúa có phẩm cấp đạt trên 95%. Cùng với chính sách dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, huyện đã mở rộng các vùng trồng lúa chất lượng cao từ 2.350 ha vào năm 2012 lên gần 6.000 ha năm 2022. Xây dựng thành công 2.400 ha mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 30 HTX, trong đó có 250 ha có liên kết với công ty, doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được huyện Vĩnh Linh thí điểm thành công như trồng rau củ quả sạch trong nhà màng, vườn tiêu sạch hữu cơ, chuối đỏ Dacca, bơ sáp 034 hay thanh long ruột đỏ, chanh leo… đã mở ra hướng đi mới cho nông dân. Trong chăn nuôi thủy sản, huyện đã triển khai và ứng dụng thành công quy trình nuôi tôm sinh học 2 giai đoạn, góp phần hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả việc nuôi tôm. Đến nay toàn huyện có trên 30 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với hiệu quả kinh tế cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Từ năm 2012 - 2021, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện trên 20 đề tài, dự án ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản với kinh phí trên 700 triệu đồng. Nổi bật trong đó có một đề tài vào năm 2018 được đánh giá cao là nuôi tôm theo quy trình sinh học 2 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh, xử lý sinh học nhờ cá rô phi, cá kình và các chế phẩm thiên nhiên vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo yếu tố môi trường; mô hình này đã được nhân rộng 4 hộ và đang được nhân rộng hơn nữa thời gian tới”.
Trên lĩnh vực CN-TTCN, một số công nghệ mới trong nước và nước ngoài đã được áp dụng trong quá trình sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng như công nghệ sản xuất bao bì và giấy vệ sinh của Trung Quốc, chế biến mủ cao su dây chuyền của Việt Nam, sản xuất gạch bằng công nghệ nung sấy, gạch không nung thay cho các phương pháp nung thủ công gây ô nhiễm môi trường, sản xuất nước bằng công nghệ thẩm thấu ngược. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chú trọng đầu tư vào đổi mới công nghệ, đăng ký nhãn hiệu, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, thu hút nhiều lao động địa phương. Qua đó góp phần đưa tốc độ tăng trưởng CN-TTCN và xây dựng đạt bình quân 15%/năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng CN-XD.
Hiệu quả tích cực của việc ứng dụng phát triển KH&CN còn được thể hiện rõ nét trên lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong 10 năm qua, Trung tâm y tế huyện Vĩnh Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ngành y tế địa phương đã sử dụng hiệu quả các loại vắc xin, trong đó có 9 loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ; đã tiếp nhận và chuyển đổi một số loại vắc xin thế hệ mới như viêm não Nhật Bản, viêm gan B, bệnh dại. Ứng dụng thành công một số kỹ thuật chuyên sâu như nội soi túi mật, nội soi thủng tạng rỗng, phẫu thuật sỏi niệu quản. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, phong trào viết và áp dụng sáng kiến, đề tài khoa học phát triển mạnh mẽ; nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng trong phạm vi huyện và tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, toàn ngành có 3.127 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp cơ sở, 82 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh và 1 đề tài khoa học được công nhận cấp huyện. Việc ứng dụng CNTT cũng được ngành triển khai mạnh mẽ. Đến nay có 53 đơn vị sử dụng báo cáo, giao dịch điện tử trên môi trường internet, trên 9.000 các tài khoản tham dự các sân chơi VIOLIMPIC, giao thông, tiếng Anh qua internet...
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN cũng được quan tâm chú trọng, nhất là rà soát, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISOO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có 40 quy trình, 217 thủ tục hành chính được áp dụng tại 13 phòng, ban trên 33 lĩnh vực của đời sống xã hội. Địa phương cũng chú trọng đến việc quản lý, phát triển và xây dựng nhãn mác cho các sản phẩm. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 10 sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, 2 nhãn hiệu thông thường và 5 sản phẩm đạt chứng nhận VietGap; xác lập chỉ dẫn địa lý tiêu Quảng Trị đối với sản phẩm hạt tiêu Vĩnh Linh.
Để KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của huyện, thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW. Không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò và động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN nhằm tiếp thu, làm chủ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện và mỗi địa phương đơn vị. Cùng với đó, từng bước đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.