Vĩnh Linh tập trung phát triển toàn diện nền kinh tế trong xu thế hội nhập

Xác định mục tiêu phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Vĩnh Linh đã tập trung lãnh đạo phát triển lĩnh vực này một cách đồng bộ, toàn diện. Từ chủ trương, định hướng của BCH Đảng bộ, UBND huyện Vĩnh Linh đã xây dựng các kế hoạch, đề án tổ chức thực hiện sát với tình hình thực tế. Nhờ vậy, đã huy động được các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.

* THÁI VĂN THÀNH, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh

 Sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Vĩnh Linh được Hội LHPN huyện mang đi giới thiệu, kết nối tiêu thụ ở nhiều nơi - Ảnh: LT

Sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Vĩnh Linh được Hội LHPN huyện mang đi giới thiệu, kết nối tiêu thụ ở nhiều nơi - Ảnh: LT

Nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân toàn huyện đạt 15,3%/năm. Trong đó, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,46%, công nghiệp - xây dựng tăng 17,48%, thương mại - dịch vụ tăng 18,51%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ; giảm dần tỉ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản trong tổng giá trị sản xuất. Đến năm 2020, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 28,5%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 29,1%, thương mại - dịch vụ tăng lên 42,1%. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Địa phương đã triển khai được nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng thâm canh và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể thông qua các mô hình liên kết với doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy kinh tế hợp tác và kinh tế hộ, trang trại, gia trại phát triển. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Đến năm 2020, toàn huyện có trên 5.000 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu thế hội nhập. Vĩnh Linh cũng hình thành được 3 cụm công nghiệp có tổng diện tích quy hoạch 39 ha với trên 1.075 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 55,8 triệu đồng/năm, tăng 25,8 triệu đồng so với năm 2015; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,98%, giảm 1,5% so với đầu nhiệm kỳ.

Xuyên suốt nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Vĩnh Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nội dung trên lĩnh vực kinh tế - xã hội mang tính đột phá tạo, tạo nên sự phát triển toàn diện, đồng bộ các vùng kinh tế trong toàn huyện đó là: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và giảm nghèo bền vững cho 11 bản thuộc diện khó khăn của huyện.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng NTM”, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng NTM với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp đặc điểm của từng xã, thôn và từng khu dân cư. Nhân dân trong huyện đã hiến đất, hiến cây, góp công, góp của cùng với chính quyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. 5 năm qua, toàn huyện đã huy động 787,6 tỉ đồng thực hiện chương trình NTM, trong đó vốn Nhân dân đóng góp bằng tiền, hiện vật, ngày công lao động... đạt khoảng 178 tỉ đồng. Đến năm 2020, toàn huyện có 13/15 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ 86,7% cao nhất trong toàn tỉnh, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thể nói, kết quả đạt được về xây dựng NTM trong nhiệm kỳ qua hết sức quan trọng, mang lại diện mạo mới cho nông thôn, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hình thành được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.

Dấu ấn thứ hai trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Linh trong giai đoạn 2015 - 2020 là hoạt động thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa do huyện huy động tương đối khá, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ đạt khoảng 8.800 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Nhiều công trình, dự án quan trọng được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng làm thay đổi diện mạo nhiều vùng trên địa bàn huyện như: Đường giao thông Thạch Kim - Hiền Hòa; đường nối xã Vĩnh Long đi Quốc lộ 1 đến các xã vùng Đông của huyện; hạ tầng Cụm công nghiệp Cửa Tùng; trụ sở Phòng Tài chính - Kế hoạch và các phòng ban huyện; công trình block vỉa hè, rảnh thoát nước đường Trần Phú và đường Trần Hưng Đạo thị trấn Hồ Xá; trụ sở làm việc của UBMTTQVN và các hội, đoàn thể huyện; các hạng mục như Công viên văn hóa huyện, cơ sở hạ tầng khu đô thị Tây Nam Quốc lộ 1 đoạn đi qua thị trấn Hồ Xá...

Đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững cho 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp và cần nhiều thời gian để thực hiện. BTV Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ 11 bản khó khăn bằng các nội dung công việc cụ thể, thiết thực như: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân trong việc quản lý kinh tế; giao đất, giao rừng cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ giống cây, con cho người dân các bản; đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa... Với sự chỉ đạo tập trung, hành động quyết liệt trong 5 năm, Vĩnh Linh huy động trên 66 tỉ đồng phục vụ công tác giảm nghèo ở 11 bản khó khăn. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo của 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giảm bình quân 6,24%/năm, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra, tỉ lệ hộ nghèo của 11 bản khó khăn giảm bình quân 7,22%/năm.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 là cơ sở vững chắc cho nền kinh tế của huyện bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo. Định hướng phát triển thời gian tới trên lĩnh vực kinh tế, huyện Vĩnh Linh sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Huy động các nguồn lực để xây dựng một số tuyến giao thông quan trọng, kết nối Quốc lộ 1 với tuyến đường ven biển, đường Hồ Chí Minh... Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá và các cụm công nghiệp trên địa bàn. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng ở các bãi biển, đồng thời khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng, tài nguyên rừng sinh thái trên địa bàn huyện. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, nhất là quỹ đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng kém hiệu quả. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển lĩnh vực công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phấn đấu xây dựng thị trấn Hồ Xá đạt tiêu chí đô thị loại IV, các thị trấn Bến Quan và Cửa Tùng đạt tiêu chí đô thị loại V...

Để thúc đẩy kinh tế phát triển đồng bộ, toàn diện nhiệm kỳ 2020 - 2025, BCH Đảng hộ huyện xác định 2 lĩnh vực đột phá: Thứ nhất, phát triển lĩnh vực công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của địa phương như: Chế biến gỗ rừng trồng, thủy sản, nông sản, chế biến cao su, khoáng sản, đóng thuyền composite... Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Huyện sẽ quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất các loại giống và thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau, củ, quả chất lượng cao; phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm từ chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, trong xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151046