Vĩnh Lộc: Bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn
Việc khai thác và chế biến khoáng sản gây nhiều tác động xấu đến môi trường, vì thế công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường luôn là một trong những nhiệm vụ được huyện Vĩnh Lộc chú trọng, xem đây là yêu cầu không thể thiếu để hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất chế tác đá nằm dọc Quốc lộ 217 cần sớm được quy hoạch đưa vào cụm công nghiệp.
Quyết liệt bảo vệ môi trường
Là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng, phân bố chủ yếu ở các xã, như: Vĩnh An, Vĩnh Thịnh, Minh Tân, Vĩnh Quang,... Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 16 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp phép với tổng diện tích là 68,68 ha, trữ lượng được duyệt là 9.355.554 m3. Bên cạnh đó, có 5 mỏ khai thác cát, 4 bãi tập kết cát và 2 khu kinh doanh vật liệu xây dựng tổng hợp; 1 mỏ đất san lấp, và hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ...
Nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Trong đó có thể kể đến như: Kế hoạch số 1999/KH-UBND ngày 1-8-2022 về kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; Công văn số 2682/UBND-TNMT ngày 26-9-2022 về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; Phương án số 208/PA-UBND ngày 2-2-2023 về việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản; Công văn số 768/UBND-TNMT ngày 24-3-2023 về việc tăng cường quản lý, giám sát và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản...
Cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong năm 2022 UBND huyện đã tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số 4436/QĐ-SXD ngày 22-6-2022 của Giám đốc Sở Xây dựng về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2022 tại các đơn vị: Công ty CP xây dựng Đô thị 5, HTX đá Vĩnh Minh, Doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm, Công ty TNHH Thái Bình Dương, Công ty TNHH Việt Thanh - Stone và Công ty TNHH sản xuất - thương mại Tuấn Linh. Kết quả kiểm tra, có tới 4 doanh nghiệp trên địa bàn huyện có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Căn cứ vào kết quả vi phạm, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong bảo vệ môi trường tại làng nghề, UBND xã Minh Tân đã thực hiện việc thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề chế tác đá làng Mai và xây dựng tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề theo đúng Điều 56, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được hướng dẫn tại Điều 33, 34, 35 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, UBND xã cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường; hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ thực hiện đúng việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất và nước thải theo đúng quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn các xã: Minh Tân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An, yêu cầu các cơ sở xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và các hạng mục công trình khác đảm bảo theo mặt bằng thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sẽ tạm đình chỉ hoặc có ý kiến đề xuất xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Vẫn còn những khó khăn
Quyết liệt là vậy, song thực tế hoạt động khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là vấn đề môi trường (bụi bặm và tiếng ồn) làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Có mặt tại thôn 9, xã Minh Tân, vùng giáp ranh với các mỏ khai thác đá, người dân nơi đây không giấu được sự bức xúc khi nói về vấn đề môi trường. Anh Nguyễn Huy T. - một người dân cho biết: Đánh giá một cách công tâm thì so với những năm về trước, tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác đã giảm hơn nhiều. Phần vì một số doanh nghiệp đưa phương án khai thác mới như cắt lớp thay cho phương án truyền thống là nổ mìn. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp khai thác đá bằng phương pháp nổ mìn. Vào những ngày gió lên, bụi đá bay mù mịt vào khu dân cư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện việc xay, nghiền đá nhưng che chắn không bảo đảm yêu cầu, dẫn đến bụi bặm, tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động khai thác đá theo phương thức nổ mìn truyền thống để lại nhiều hệ lụy về môi trường.
Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ để lại nhiều hệ lụy. Không khó để có thể ghi nhận các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ dọc hai bên tuyến Quốc lộ 217 đi qua địa phận các xã như Hà Lĩnh (huyện Hà Trung); xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh An, Minh Tân “mọc lên như nấm”. Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần các cơ sở nằm dọc hai bên quốc lộ là những cơ sở hình thành tự phát, các nhà xưởng được xây dựng trên đất ở, quy hoạch khu dân cư và không đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường theo quy định. Với đặc thù hoạt động của ngành nghề này, tình trạng bụi bặm làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông trên tuyến quốc lộ là điều không tránh khỏi.
Ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu chế tác đá đã được giảm nhiều. Các chủ xưởng đều ý thức trong việc cam kết bảo vệ môi trường, ví như xây dựng hệ thống tường rào cao 3 m, phủ bạt những khe hở trên tường rào; đầu tư hệ thống phun sương, có hệ thống xử lý nước thải, nhờ đó môi trường tại các khu chế tác được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tiếng ồn vẫn còn lớn, hệ thống phun sương chưa xử lý triệt để về môi trường; vẫn còn một số chủ xưởng còn chưa đầu tư do vấn đề tài chính,... Ngoài việc đưa ra những giải pháp, yêu cầu các chủ xưởng chú trọng công tác đảm bảo về môi trường, UBND xã cũng thường xuyên kiểm tra báo cáo UBND huyện đối các cơ sở sản xuất trên địa bàn chưa thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.
Trao đổi về những bất cập trên, ông Mai Xuân Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc, cho rằng: Do đặc thù khu vực mỏ có vị trí, địa hình phức tạp, hiểm trở, đối tượng vi phạm thường hoạt động vào ban đêm ở khu vực gần các mỏ được cấp phép hoặc khu vực giáp ranh giữa các xã, huyện nên việc kiểm tra, xử lý còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, chính quyền cơ sở thiếu trang thiết bị chuyên dụng và công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác kiểm tra xác định tọa độ mốc mỏ khai thác, độ sâu khai thác, đo độ bụi trong không khí, đo tiếng ồn, nên khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm. Về giải pháp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp tại xã Minh Tân, với diện tích đất công nghiệp 21 ha, chủ yếu tập trung các cơ sở sản xuất, chế tác, trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nghề đá, sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra.