Vĩnh Long chủ động ứng phó với hạn mặn - Bài 1: Nông dân chủ động thích ứng
Mặn xuất hiện rất sớm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ngay từ tháng cuối năm 2019, độ mặn lên tới trên 5 phần nghìn.
Đến nay, qua hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục với đỉnh mặn lên đến 10 phần nghìn, tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Thành công trong phòng, chống hạn mặn của Vĩnh Long là do tỉnh đã tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân và có giải pháp ứng phó, thích ứng tốt.
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 đã và đang diễn ra gay gắt, cao hơn cả cùng kỳ năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, tích lũy kinh nghiệm từ những thiệt hại nặng nề vì hạn, mặn trước đó, nông dân tỉnh Vĩnh Long đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống và từng bước thích nghi với mặn xâm nhập.
Những ngày qua, ông Huỳnh Văn Xuân (ấp Thanh Phong, xã Thanh Bình) đều đặn cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn được thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, để thông báo cho người dân trong tổ nhân dân tự quản biết, từ đó chủ động trong việc tưới nước cho vườn cây ăn trái. Nhớ lại đợt mặn lịch sử mùa khô 2015-2016, ông Xuân ngậm ngùi nói, do mặn xâm nhập diễn ra ngay trong những ngày Tết nên nông dân chủ quan. Riêng vườn bưởi với diện tích 8.000 m2 đang cho trái của gia đình ông bị thiệt hại nặng nề, trong đó có đến 70% bị chết hoàn toàn và 30% còn lại cũng suy giảm năng suất.
Rút kinh nghiệm sâu sắc, để bảo vệ vườn bưởi và sầu riêng được trồng lại sau đó, ông Xuân đã cải tạo mương vườn, thường xuyên kiểm tra cống bọng để chủ động nguồn nước tưới tiêu. Đầu năm 2020, ông còn mua thêm một túi trữ nước ngọt bằng nhựa có dung tích 15 m3 để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn được dự báo gay gắt hơn những năm trước đây. “Nghe thông tin dự báo tình trạng hạn, mặn ngày càng phức tạp trong những năm tới đây, tôi đã đăng ký mua thêm 3 túi trữ nước nữa để chủ động nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất”- ông Xuân cho biết.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Cái Dứa, xã Thanh Bình, sự chủ động trong ứng phó với tình trạng nước mặn xâm nhập của anh khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Anh Minh cho biết, mùa khô năm 2015-2016, trong khi nhiều người dân ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm điêu đứng vì nước mặn xâm nhập bất ngờ gây thiệt hại nặng nề, thì vườn sầu riêng 10.000 m2 của gia đình anh không những không bị ảnh hưởng, mà còn cho thu hoạch với năng suất cao.
Anh Nguyễn Văn Minh kể, năm 2015 khi nghe thông tin độ mặn có thể lên cao, trong khi cây sầu riêng lại rất mẫn cảm với độ mặn. Vì thế, anh chủ động đào ao ngay trong vườn để chứa nước ngọt với diện tích 270 m3, đồng thời mua thiết bị đo độ mặn để kiểm tra nguồn nước tưới hàng ngày, cũng như trữ nước tưới tiêu trong trường hợp khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài để không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Nhờ chủ động trữ nguồn nước ngọt và thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước, nên vườn sầu riêng của gia đình anh Minh không bị ảnh hưởng khi mặn xâm nhập.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn sầu riêng xanh tốt, anh Minh phân tích thêm, nếu như trước đây, mùa hạn, mặn diễn ra trong vòng 1 tháng và thời gian độ mặn lên cao chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, thì những năm gần đây tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, phức tạp và thời gian độ mặn lên cao cũng kéo dài hơn. Do đó, anh nghĩ đến việc cần phải có một giải pháp khả thi hơn để chủ động nguồn nước tưới, bởi nếu chỉ trữ nước ngọt trong ao như hiện tại thì phải tốn diện tích đất rất lớn. Sau thời gian tìm hiểu, năm 2019, anh Minh quyết định đầu tư hơn 80 triệu đồng mua máy lọc nước mặn thành nước ngọt. Anh Minh cũng là hộ đầu tiên và duy nhất của xã Thanh Bình trang bị thiết bị lọc nước này để phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho vườn sầu riêng đến thời điểm này.
Anh Minh khẳng định, tuy số tiền đầu tư ban đầu khá lớn nhưng hiệu quả mang lại là rất thiết thực. Máy lọc nước mặn thành nước ngọt không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu cho vườn sầu riêng, mà còn phục vụ tốt nguồn nước ngọt cho sinh hoạt gia đình ngay trong những ngày độ mặn lên cao nhất của mùa khô năm 2019-2020. Giờ đây anh Minh đã không còn lo sợ tình trạng nước bị nhiễm mặn trong mùa khô.
Thanh Bình cũng là một trong 2 xã cù lao của huyện Vũng Liêm chịu ảnh hưởng nặng của nước mặn xâm nhập. Theo ông Hồ Văn Trọn - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, mùa khô 2019 – 2020, nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn, đến thời điểm hiện tại, xã chưa ghi nhận thiệt hại cụ thể do hạn mặn gây ra.
Ông Trọn cho biết, xã Thanh Bình có tổng diện tích trên 1.187 ha trồng cây ăn trái, với 2 loại cây trồng chủ lực là sầu riêng (hơn 400 ha) và bưởi (gần 660 ha). Trong đó, trên 400 ha diện tích vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế đạt 200 triệu đồng/ha/năm.
Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, ngay từ đầu mùa khô xã đã vận động nhân dân kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi trên địa bàn, thực hiện nạo vét các mương vườn để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Bên cạnh đó, xã thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn để thông báo kịp thời đến người dân chủ động ứng phó. Điều đáng mừng là, ý thức người dân trong công tác ứng phó xâm nhập mặn đã được nâng cao, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã đã tự trang bị máy đo độ mặn, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, đồng thời tận dụng các dụng cụ trữ nước hiện có hoặc mua các túi trữ nước có dung tích lớn để dự trữ nước ngọt, do đó có thể đảm bảo tưới tiêu từ 10 - 15 ngày khi độ mặn lên cao.