Vĩnh Long mời gọi đầu tư 12 dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước
12 dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước được tỉnh Vĩnh Long giới thiệu, với tổng mức đầu tư 13.700 tỷ đồng, theo hình thức 100 vốn nhà đầu tư hoặc liên danh thực hiện, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, du lịch, thương mại - dịch vụ, hạ tầng khu - cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường.
Sáng ngày 5/3, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị Xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ với tỉnh Vĩnh Long, với sự tham dự của các nhà đầu tư, các hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi.
Tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào 12 dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư 13.700 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, đưa hai nước trở thành đối tác tin cậy, quan trọng lẫn nhau. Kể từ năm 2010 đến nay, Ấn Độ liên tục nằm trong tốp 20 đối tác thương mại của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Ấn Độ tăng từ 2,75 tỷ USD năm 2010 lên 14,36 tỷ USD trong năm 2023. Về đầu tư, lũy kế đến năm 2023 Ấn Độ có trên 390 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long với thị trường Ấn Độ đạt khoảng 1,33 triệu USD, chiếm khoảng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày các loại, hàng may mặc; nhập khẩu đạt khoảng 2 triệu USD, chiếm 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh.
Dịp này, tỉnh Vĩnh Long đã giới thiệu, mời gọi đầu tư vào 12 dự án có vốn ngoài ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư 13.700 tỷ đồng theo hình thức 100 vốn nhà đầu tư hoặc liên danh thực hiện. Trong đó, có 6 dự án nông nghiệp - nông thôn (quy mô từ 130 - 1.603ha, ước vốn 325 - 4.050 tỷ đồng); 2 dự án du lịch (quy mô 10,2 - 3.000ha, ước vốn 400 - 3.450 tỷ đồng); 1 dự án thương mại - dịch vụ (quy mô 2,74ha, ước vốn 350 tỷ đồng); 2 dự án hạ tầng khu - cụm công nghiệp (quy mô 50 - 40,72ha, ước vốn 254 - 365 tỷ đồng) và 1 dự án bảo vệ môi trường (quy mô 300 - 500 tấn/ ngày đêm, ước vốn 500 tỷ đồng).
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long đã đề ra các chính sách để hỗ trợ các nhà đầu tư như: kinh phí chuẩn bị đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đối với các dự án ở bên ngoài các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí quảng cáo… Đặc biệt, về tín dụng các nhà đầu tư được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay vốn...
Thông tin về địa phương, ông Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, là tỉnh thuộc trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất trù phú, được bao bọc bởi 2 con sông Tiền và sông Hậu, có diện tích tự nhiên trên 1.500 km², dân số trên 1 triệu người, là tỉnh giàu tiềm năng về nguồn nhân lực, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của tỉnh Vĩnh Long chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 2,01% so với năm 2022. Môi trường đầu tư phát triển luôn được chú trọng, với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp sẽ hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến giao thương và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Vĩnh Long cũng khẳng định, một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay là tập trung thu hút mời gọi đầu tư, thương mại phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt chú trọng mời gọi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, lĩnh vực y tế, dược phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp, tập đoàn Ấn Độ.
“Đến với Vĩnh Long là đến với “vùng đất mở”, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy được môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, các nhà đầu tư sẽ tận dụng được các ưu thế của địa phương, được hỗ trợ các chính sách đầu tư riêng mà tỉnh đang triển khai thực hiện.
Vĩnh Long luôn chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đã, đang và sẽ đầu tư tại Vĩnh Long, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kết nối “doanh nghiệp - doanh nghiệp”, “doanh nghiệp - chính quyền” nhằm phát triển thương mại, đầu tư bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên”, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Vĩnh Long cam kết.
Tại hội nghị, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi, đánh giá cao tiềm năng lợi thế phát triển và hợp tác với Vĩnh Long và Việt Nam nói chung. Ông tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và Vĩnh Long cùng các tỉnh lân cận sẽ tạo điều kiện phát triển các ngành nông nghiệp, sản xuất, sản xuất máy móc nông nghiệp.