Vĩnh Long: Phát triển du lịch trên nền tảng các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống
Ngày 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL
Tại hội nghị, Vĩnh Long công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Theo quy hoạch, không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Quy hoạch, tỉnh lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế, trong đó: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; Phát triển du lịch trên nền tảng các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời, Vĩnh Long đã và đang hoạch định các giải pháp chiến lược, đưa ra các phương án tạo động lực phát triển để xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho từng lĩnh vực, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.
Tiềm năng lớn về phát triển du lịch
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển Vĩnh Long toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và nhiệm vụ triển khai thời gian tới:
Xác định các tiềm năng, lợi thế, Quy hoạch chỉ rõ Vĩnh Long là một tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, nên hội tụ các yếu tố của Vùng: Có truyền thống yêu nước hào hùng; con người hài hòa, thân thiện, chân thành; văn hóa đặc sắc miền Tây; có vùng sông nước, rừng ngập mặn (có điều kiện để phát triển nông nghiệp)...
Vĩnh Long còn có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử văn hóa, ví dụ như làng gạch gốm Mang Thít…), là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ nhiều nhân tài, những người con ưu tú của đất nước.
Theo Thủ tướng, việc triển khai Quy hoạch của Vĩnh Long có điều kiện rất thuận lợi trên nền tảng chung của cả nước, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Việt Nam đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới; chính trị - xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định chuyển đổi số và tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững. Đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ KTXH, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Yêu cầu phát triển đồng bộ toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, Thủ tướng lưu ý Vĩnh Long một số lĩnh vực trọng tâm như chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; công nghiệp hóa nông nghiệp với các trung tâm phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có các cơ sở sản xuất công cụ, phương tiện nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu nông sản; phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có xây dựng thương hiệu, phát triển ngành gốm sứ Vĩnh Long; tập trung đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm chi phí logistics…; coi trọng phát triển kinh tế ban đêm, thương mại điện tử.
"Với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư; tôi tin tưởng Vĩnh Long sẽ triển khai tốt quy hoạch và nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, góp phần phát triển vùng ĐBSCL và xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng phát biểu.