Vĩnh Long tổ chức diễn đàn Mekong thúc đẩy truyền hình và công nghiệp văn hóa thời AI
Ngày 9.4, tại Vĩnh Long, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ 1 với chủ đề 'Truyền hình và công nghiệp văn hóa'.

Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc diễn đàn - Ảnh: Trung Phạm
Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đến từ các ban, bộ ngành Trung ương, đài truyền hình các tỉnh ĐBSCL; các hiệp hội quốc gia, viện, trường, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu tại sự kiện, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng cho rằng tỉnh Vĩnh Long tổ chức Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với chủ đề “Truyền hình và công nghiệp văn hóa” là sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa, được chỉ đạo thực hiện khẩn trương và quyết liệt, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gắn với giải phóng tỉnh Vĩnh Long (30.4.1975 - 30.4.2025). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt mới, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long về đổi mới, sáng tạo để tỉnh bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm phát biểu - Ảnh: Trung Phạm
Các tham luận tại diễn đàn xoay quanh những vấn đề trọng tâm đang đặt ra cho ngành truyền hình và công nghiệp văn hóa như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền hình và công nghiệp văn hóa thời đại AI tạo sinh; Thói quen tiêu thụ truyền thông của thế hệ Z trong kỷ nguyên số; Ứng dụng AI và dữ liệu trong sản xuất nội dung chương trình truyền hình; Truyền hình 4.0 - cơ hội, thách thức và ý tưởng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và xã hội số; Đưa nội dung đào tạo tiếp cận với thực tiễn báo chí truyền hình. Ngoài ra, còn có các tham luận xoay quanh vấn đề phát triển công nghiệp truyền hình cho tỉnh Vĩnh Long; phát triển sản phẩm quà tặng du lịch, du lịch thông minh từ sản phẩm OCOP tại Vĩnh Long; giải pháp nền tảng thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực truyền thông và giải trí; giải pháp để các đài truyền hình tiếp cận GenZ trong kỷ nguyên số.

Tọa đàm về khoa học công nghệ và chuyển đổi số - Ảnh: Trung Phạm
Các tham luận gợi mở phân tích sâu sắc những tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực truyền hình và ngành công nghiệp văn hóa, qua đó các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó đề xuất định hướng phát triển kinh doanh và công nghiệp văn hóa phù hợp; từng bước nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững khai thác hiệu quả các nền tảng số để tạo nguồn thu mới, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế số và phát triển công nghiệp văn hóa.