Vĩnh Phúc: Chú trọng thu hút vốn đầu tư FDI từ nhà đầu tư hiện hữu
tăng cường nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh, các ban, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa, tăng vốn đầu tư từ chính các doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh hiệu quả trên địa bàn.
Là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và mạnh trong những năm gần đây, thu hút vốn FDI thuộc top các địa phương dẫn đầu cả nước, Vĩnh Phúc đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư theo chủ trương, định hướng của tỉnh.
Vĩnh Phúc xác định thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương, doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh là công dân của tỉnh, sát cánh cùng các nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu, tỉnh đã chỉ đạo sát sao các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả, hấp dẫn, góp phần đưa địa phương trở thành địa bàn có lợi thế so sánh trong vùng về thu hút đầu tư.
Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tài chính; cải thiện thứ hạng chỉ số cạnh tranh về môi trường kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc để hiểu được những mong muốn và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư.
Quan tâm, hỗ trợ thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc thực hiện tích cực chuyển đổi số; công khai cụ thể, chi tiết đến các nhà đầu tư những thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển công nghiệp, giá đất, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng... Những nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho Vĩnh Phúc, tạo ấn tượng tốt đối với những nhà đầu tư.
Việc các nhà đầu tư hiện có tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng nguồn vốn cho các dự án đã triển khai chính là minh chứng thực tế nhất để các nhà đầu tư FDI mới tham khảo khi tìm địa chỉ để rót vốn đầu tư vào tỉnh nhà.
7 tháng năm 2023, thu hút đầu tư toàn tỉnh có nhiều khởi sắc, số vốn FDI và DDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI đạt 440,76 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới cho 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 230,92 triệu USD và tăng vốn cho 25 lượt dự án với tổng vốn tăng 209,84 triệu USD.
Đáng chú ý, đã có một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án công nghiệp TYC Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Bình Xuyên với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD; Nhà máy Enplas Vĩnh Phúc, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uni-Calsonic Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD…
Đến hết tháng 6/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các khu công nghiệp của tỉnh là 460 dự án (gồm 102 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 31.200 tỷ đồng), trong đó có 358 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 6,1 tỷ USD.
Đứng đầu bảng về thu hút vốn đầu tư FDI là Hàn Quốc với 188 dự án (tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh); đứng thứ hai là Nhật Bản với 49 dự án (tổng vốn đầu tư trên 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư). Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Italia, Singapore, Samoa, Cộng hòa Seychelles, Hà Lan, British Virgin Islands, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp.
Trước bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, để thu hút hiệu quả dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư hiện có cũng như các nhà đầu tư mới, các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đang và tiếp tục nỗ lực trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
Cùng với thực hiện các chương trình xúc tiến thu hút đầu tư, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng chính quyền điện tử, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương phù hợp và thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, những người trực tiếp làm công tác xúc tiến...
Với những chính sách thông thoáng, đổi mới và trong thu hút đầu tư, việc hút vốn từ các nhà đầu tư hiện có trên địa bàn sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội đề ra.