Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, thu hút đầu tư

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, những năm gần đây, nhiều dự án khu công nghiệp (KCN) tại các huyện miền núi Lập Thạch, Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã và đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc tăng tốc xây dựng hạ tầng KCN Sông Lô II, sẵn sàng đón sóng đầu tư.

Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc tăng tốc xây dựng hạ tầng KCN Sông Lô II, sẵn sàng đón sóng đầu tư.

Tập trung giải phóng mặt bằng các KCN

Năm 2021, ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các Sở, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư các dự án KCN Sông Lô I, Sông Lô II và KCN Thái Hòa - Liên Hòa - Liễn Sơn đã chủ động, tích cực triển khai các công việc về chuẩn bị đầu tư và thực hiện công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất tạo mặt bằng đất sạch giao chủ đầu tư. Đến nay, 2 KCN Sông Lô II và KCN Thái Hòa - Liên Hòa - Liễn Sơn đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất, khởi công xây dựng công trình.

Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng và tiếp tục bồi thường, GPMB diện tích đất còn lại của các dự án hiện gặp một số khó khăn như vật liệu san đắp nền; vốn xây dựng hạ tầng khu tái định cư; công tác giao đất; định giá đất khu tái định cư, giá đất KCN… nên đều chưa có mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Cụ thể, về vật liệu đắp nền, hiện nay, KCN Thái Hòa - Liên Hòa - Liễn Sơn có khoảng 3,7 triệu m3 đất cần vận chuyển ra khỏi dự án để có mặt bằng theo quy hoạch đã được duyệt, trong khi KCN Sông Lô II đang cần khoảng 4 triệu m3 đất để san đắp nền.

Cùng với đó, việc định giá đất (giá đất tái định cư, giá đất KCN…) gặp khó khăn; thiếu vốn, gặp vướng mắc để đầu tư, hoàn thành dự án hạ tầng khu tái định cư, hạ tầng hàng rào như mở rộng đường giao thông, xây nhà ở xã hội cho công nhân... ngoài KCN. Tiến độ triển khai KCN Sông Lô I rất chậm, đến nay mới bồi thường được khoảng 33,5ha và chưa được giao đất.

Việc khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, có mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, trong buổi kiểm tra thực tế tại các KCN này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông sau khi nghe báo cáo và tìm hiểu thực tế đã yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện Lập Thạch, Sông Lô tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đưa các dự án sớm đi vào hoạt động.

Theo đó, đối với 2 KCN Sông Lô II và KCN Thái Hòa - Liên Hòa - Liễn Sơn, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hướng dẫn việc vận chuyển đất từ nơi thừa sang nơi thiếu theo đúng quy định của pháp luật và khẩn trương tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá các mỏ đất để đáp ứng nhu cầu về đất san đắp nền phục vụ xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, yêu cầu Quỹ Phát triển đất tỉnh tiếp tục cho UBND các huyện Sông Lô, Lập Thạch vay vốn để đầu tư, hoàn thành dự án hạ tầng khu tái định cư phục vụ các KCN. Với các khoản vay địa phương chưa trả nợ theo quy định, thống kê, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND 2 huyện Sông Lô, Lập Thạch và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, bố trí quỹ đất trong quy hoạch xây dựng với quy mô phù hợp để thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định. Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn.

Tuyên truyền, vận động người dân để đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB phần diện tích còn lại của dự án; thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình không chấp hành quy định, phấn đấu hoàn thành công tác bồi thường trong năm 2024.

Đối với KCN Sông Lô I, tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các KCN phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Sông Lô thường xuyên đôn đốc tiến độ thực hiện của nhà đầu tư, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời; phấn đấu giao đất giai đoạn 1 (khoảng 54ha) và khởi công xây dựng công trình trong năm 2024…

KCN Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

KCN Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô (chủ đầu tư) khẩn trương hoàn thành các thủ tục về thiết kế, cấp phép xây dựng, đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn trong bồi thường GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thu hút nhiều dự án mới vào các KCN

Nhờ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư có cơ hội chứng kiến thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN của tỉnh. Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, tháng 8/2024, Ban đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án, trong đó, 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 24,9 triệu USD và 1 dự án DDI với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 tỷ đồng.

Đến hết tháng 8/2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 24 dự án FDI mới và 25 lượt dự án FDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 402,1 triệu USD, đạt 115% kế hoạch năm 2024; thu hút 9 dự án DDI và 6 lượt dự án DDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 3.060,53 tỷ đồng, đạt 204% kế hoạch năm 2024. Lũy kế số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN tỉnh là 493 dự án, gồm 117 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.742,89 triệu USD. Hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh có 80 dự án chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: 15 dự án đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị, chiếm 3% tổng số dự án; 57 dự án mới được cấp phép và đang làm các thủ tục triển khai, chiếm 11,6%; 4 dự án đang thực hiện bồi thường GPMB, chiếm 0,8% và 4 dự án đang tạm giãn tiến độ, chưa triển khai, chiếm 0,8%.

Dự kiến, trong tháng 9/20224 Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 2 - 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 100 triệu USD và cấp mới, điều chỉnh tăng vốn cho 1 - 2 dự án DDI với tổng vốn đăng ký khoảng 830 tỷ đồng. Cùng với đó, có thêm 2 - 4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 40 - 45 triệu USD và các dự án DDI đạt khoảng 200 - 300 tỷ đồng.

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-day-nhanh-giai-phong-mat-bang-khu-cong-nghiep-thu-hut-dau-tu-384568.html