Vĩnh Phúc hướng tới du lịch thông minh ứng dụng chuyển đổi số

Trước xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã và đang thúc đẩy áp dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh; từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới du lịch thông minh, du lịch số, có tính ứng dụng, hiệu quả cao.

Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh du lịch. Ảnh: Nguyễn Lượng

Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh du lịch. Ảnh: Nguyễn Lượng

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mang tính chiến lược đối với ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã xây dựng, phát triển các ứng dụng du lịch thông minh trên nền tảng của CNTT - truyền thông để phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, cung cấp thông tin dịch vụ du lịch thông qua CNTT, truyền thông và trải nghiệm các tiện ích thông minh đối với du khách. Hiện, một số website giới thiệu về các danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch, vui chơi, giải trí của tỉnh đã được xây dựng như dulichvinhphuc.gov.vn, vinhphuctravel.net.

Khi có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc, du khách chỉ cần click vào trang web là có thể nắm bắt được tổng quan về điểm đến, khu vui chơi, mua sắm, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, tin tức, sự kiện về du lịch... tại địa điểm đó.

Đến nay, Trạm BTS đã được phủ sóng di động với chất lượng tốt tại 100% các khu du lịch của tỉnh như Tam Đảo, Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây thiên (huyện Tam Đảo), khu du lịch Đại Lải (Phúc Yên) và trung tâm thành phố Vĩnh Yên...

Ngành Du lịch cũng đã nghiên cứu xây dựng mã QR gắn trên quà tặng lưu niệm ấn phẩm du lịch Vĩnh Phúc; làm video quảng bá du lịch Vĩnh Phúc thời lượng 1 phút, 3 phút, 9 phút bằng tiếng Việt – Anh; nâng cấp website dulichvinhphuc.gov.vn sử dụng trên phiên bản mobile (điện thoại thông minh); xuất file điện tử các ấn phẩm cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch, sách mỏng về khu du lịch Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên...

Các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh cũng chủ động nắm bắt thời cơ, sử dụng những tiện ích của công nghệ số mang lại bằng những giải pháp cụ thể: Tạo mã QR để khách hàng sử dụng dịch vụ quét mã khai báo y tế; lắp đặt camera an ninh, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như thuận tiện trong việc quản lý; tích cực tham gia vào hệ thống online của các đại lý du lịch trực tuyến trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ và nâng cấp các phần mềm điều hành tour, thanh toán điện tử và xây dựng các kênh xã hội tương tác trực tiếp.

Anh Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Tre Việt Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, công ty đã có sự dịch chuyển từ mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sang mô hình kinh doanh du lịch hiện đại theo chuỗi mô hình ứng dụng công nghệ số.

Cụ thể, công ty đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh qua website, mạng xã hội; đặt chỗ trực tuyến, tư vấn, chăm sóc khách hàng và thanh toán online; tạo tương tác trực tiếp của khách hàng thông qua các góp ý, phản ánh, bình luận về chất lượng, giá cả dịch vụ trên mạng xã hội, website… Nhờ chủ động thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường, hiện nay, du khách đến với công ty tăng đáng kể.

Để hiện thực hóa những mục tiêu cần đạt được trong quá trình áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phổ cập Internet băng rộng, coi đó là tiện ích thiết yếu cơ bản; phủ sóng toàn bộ các khu du lịch bằng công nghệ 5G và các công nghệ di động thế hệ tiếp theo.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch, bao gồm các dữ liệu cần thiết phục vụ các nghiệp vụ liên quan tới các hoạt động khuyến khích, thu hút du khách tham quan, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch, phát triển, quản lý ngành du lịch, các chương trình, chiến dịch, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa, bao gồm các dữ liệu cần thiết phục vụ các nghiệp vụ liên quan tới các hoạt động hỗ trợ các tổ chức văn hóa và nghệ thuật như bảo tàng tỉnh, thư viện và trưng bày nghệ thuật; hỗ trợ phát triển và quản lý sản phẩm nghệ thuật và sưu tầm về văn hóa; khuyến khích phát triển các ngành văn hóa; tài trợ cho các hoạt động và sự kiện nhằm quảng bá sự đa dạng về di sản và văn hóa…

Với Tam Đảo, huyện du lịch trọng điểm của tỉnh, thời gian tới, địa phương sẽ triển khai hệ thống quản lý, điều hành du lịch thông minh đến khách du lịch, các đơn vị vận tải lữ hành, quản lý tour du lịch trong và ngoài nước có nhu cầu tham quan, triển khai cung cấp các dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện.

Theo đó, các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng, di tích, danh lam thắng cảnh, các đơn vị vận tải lữ hành, các cơ sở ẩm thực, cơ sở lưu trú, đơn vị quản lý tour có thể đăng ký tài khoản và cập nhật các thông tin lên hệ thống.

Khách du lịch có thể đặt dịch vụ, đặt bàn tại cơ sở ẩm thực, đặt tour, đặt báo giá tour, có thể gửi nội dung phản ánh, kiến nghị, bình luận, đánh giá. Các thông tin, dữ liệu đầu vào là cơ sở để thống kê, giám sát, hỗ trợ điều hành du lịch thông minh trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ ứng dụng AI vào phát triển trợ lý du lịch thông minh, thuyết minh tự động thông qua quét mã QR; thông tin số hóa các điểm di tích, di sản văn hóa phi vật thể, danh nhân, làng nghề, sản vật của tỉnh. Nhiều dữ liệu tài nguyên số văn hóa, du lịch của huyện (phim, âm thanh, hình ảnh, văn bản…) được cập nhật kết nối, tương tác với khách tham quan mọi lúc, mọi nơi.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/76948/vinh-phuc-huong-toi-du-lich-thong-minh-ung-dung-chuyen-doi-so.html